Đăng nhập

Liên kết website

Bài tuyên truyền ngày sách việt nam 21/04

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21/4
 

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, “Sách” đóng vai trò rất quan trọng, là chìa khóa vạn năng mở cánh cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. “Sách” thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy cho chúng ta biết sống có ích và sống có lý tưởng. Có thể nói “Sách” là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn sâu kín trong chúng ta. Và từ lâu đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của con người.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự phát triển của CNTT phong trào đọc sách có chiều hướng đi xuống. Nhưng cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó, gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử. Và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc, ngày 24/2/2014 thủ tướng chính phủ đã kí quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày sách Việt Nam với hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa đọc. Đây là một sự kiện văn hóa đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Kách mệnh” của chủ tịch Hồ Chí Minh – tác giả đầu tiên được in bởi những người thợ in Việt Nam. Và trong tháng 4 cũng là tháng diễn ra “Ngày sách và bản quyền thế giới” (23/4). Việc tổ chức “Ngày sách Việt Nam” vào thời điểm này vừa có ý nghĩa sâu sắc, vừa cho thấy chúng ta ngày càng hội nhập thế giới. Bên cạnh đó, ngày sách cũng nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Như Lê Nin đã nói “Không có sách thì không có trí thức, không có trí thức thì không có chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản”. Bởi sách là kho tàng, tri thức của nhân loại là tài sản vô giá vì vậy, con người đã xây dựng nhiều nơi để lưu gữi bảo quản và giữ gìn sách, báo, tài liệu như: Thư viện, tủ sách gia đình, các cơ quan, trung tâm học liệu,.. Nhưng phổ biến nhất đó là “Thư viện”.
Thư viện trường THCS Phạm Hồng Thái cũng vậy. Đó là một trong những nơi lưu trữ, bảo quản và giữ gìn sách, báo, tài liệu phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Thư viện nhà trường có rất nhiều loại sách khác nhau. Sách ở đây chủ yếu là của các nhà xuất bản: Giáo dục, Kim Đồng, Thanh niên,… Bên cạnh đó thư viện còn có máy tính, thiết bị nghe nhìn phục vụ cho việc đọc và khai thác thông tin của bạn đọc.
Vừa rồi tôi đã giới thiệu với các thầy, cô giáo và các em học sinh về sự ra đời “Ngày sách Việt Nam” và giới thiệu về thư viện trường THCS Phạm Hồng Thái. Phần tiếp theo tôi xin trình bày với các thầy, cô giáo và các em học sinh về “Văn hóa đọc”.
Văn hóa đọc là một khái niệm có 2 nghĩa: một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Nghĩa rộng: Văn hóa đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của các cơ quan quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước, ứng xử đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử đọc của các nhân trong xã hội. Con nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân.
Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của các cơ quan quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hóa. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh đến với những người đọc khác nhau và sự thuận tiện của tài liệu đọc (thông qua các cửa hàng sách và các loại hình thư viện, phòng đọc sách). Nghĩa là người đọc không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, nơi cư trú, giới tính, nghề nghiệp… đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc có giá trị mà bạn đọc mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống của họ. Đó chính là đường lối phát triển nền công nghiệp sách (từ người viết, người làm sách tới quá trình hình thành sách tới tay người đọc) có chất lượng cao, giá cả hợp lý và phân phối trên toàn quốc.
Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội là sự phát triển các hội nghề nghiệp liên quan tới việc đọc như hội tác gia, hội nhà báo, hội nhà xuất bản, hội Thư viện… Ứng xử đọc là truyền thống văn hóa tôn vinh người viết sách, người đọc và người truyền thụ kiến thức, kể cả giáo dục kỹ năng đọc và hướng dẫn đọc.
Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng của mỗi người. Trước hết, cần tạo ra và phát triển thói quen đọc sách suốt cuộc đời cho mỗi người, xây dựng thói quen đọc phải bắt đầu từ tuổi ấu thơ và trong suốt cuộc đời. Đó là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Trong quá trình học tập mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường của mình.
Thói quen và kỹ năng đọc mang tính chất đồng loạt còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân cụ thể. VD: Có người thích đọc thơ, có người thích tiểu thuyết, hay truyện ngắn, có người thích nghiên cứu sách… Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú nhiều màu sắc cho nền văn hóa đọc trong xã hội.
Văn hóa đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả 3 yếu tố trên. Nếu một người có thói quen đọc nhưng thiếu kỹ năng đọc hiệu quả sẽ không cao, thậm chí không có hiệu quả chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc nhưng không tạo ra thói quen đọc cũng chẳng thu lượm kiến thức là bao nhiêu.
Như vậy, ở nghĩa rộng văn hóa đọc nói chung hay nói nền văn hóa đọc của mỗi quốc gia nói riêng phải bao gồm đủ 3 thành phần: Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các cơ quan quản lý và cơ quan Nhà nước; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi thành viên trong xã hội.
Nếu ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước là lành mạnh có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thân thiện cho mỗi người dân dễ dàng tiếp cận sách, báo có chất lượng cao nhưng thiếu ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của cộng động xã hội và mọi người dân thì cũng không thể tạo ra một nền văn hóa đọc phát triển. Ngược lại, ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và của cá nhân trong xã hội là lành mạnh nhưng ứng xử, giá trị và chuẩn mực của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước không lành thì cũng không thể có một nền văn hóa đọc phát triển. Thậm chí còn có nguy cơ làm suy thoái ứng xử, giá trị và chuẩn đọc lành mạnh của các thành viên trong xã hội và cộng đồng xã hội.
Còn nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này gồm 3 thành phần: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, việc học suốt đời, là yêu cầu cũng là thách thức của xã hội hiện đại.
 


Tác giả bài viết: admin
Nguồn tin: Thư viện trường THCS Phạm Hồng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên