Đăng nhập

Liên kết website

Giới thiệu sách tháng 11/2021

Pleiku, ngày 17/11/2021
GIỚI THIỆU SÁCH

Tên sách: “Chuyện kể về thầy trò thời xưa”.
      Chủ đề: Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
 

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11/2020

           Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; thực hiện kế hoạch hoạt động thư viện năm học 2021 – 2022. Thư viện trường THCS Phạm Hồng Thái tổ chức Tuyên truyền giới thiệu sách tháng 11.
          Các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
          Người thầy, dù ở bất cứ thời đại nào, bất cứ xã hội nào cũng luôn ở vào vị trí được trân trọng. Nước Việt Nam từ xưa đã là một nước văn hiến, giáo dục và khoa cử đã sớm trở thành truyền thống lâu đời. Đặc biệt trong kho tàng truyện dân gian của ông cha ta đã để lại khá nhiều chuyện phản ánh việc giảng dạy, việc học hành, thi cử cùng nhiều mặt khác của thầy giáo và học trò xưa. Chuyện về thầy trò hoặc được lưu truyền bằng miệng trong dân gian, hoặc được ghi chép bằng văn bản trong sử sách đều có chung một mục đích là phản ánh truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta.Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hôm nay thư viện hân hạnh giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các bạn học sinh trong nhà trường cuốn sách: Chuyện kể về thầy trò thời xưa.



          Cuốn sách  dày 77 trang, in trên khổ 19x21 cm là tuyển tập 29 câu chuyện dân gian về thầy trò do giáo sư Kiều Thu Hoạch tuyển chọn, được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2015. 
          Các câu chuyện được kể ngắn gọn, súc tích với giọng văn sinh động, hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò. Cuốn sách giúp độc giả hình dung về giáo dục của cha ông ta thời trước, qua đó nuôi dưỡng niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm trong việc dạy và việc học hôm nay, với tư cách kế thừa và tiếp nối truyền thống dân tộc.
          Các câu chuyện được tuyển chọn theo tiêu chí bám sát lịch sử, khắc họa và làm sinh động thêm những danh nhân văn hóa - lịch sử trong lịch sử dân tộc như Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Chính vì tài năng, phẩm chất của họ đã trở thành tiêu biểu của dân tộc mà những giai thoại, dã sử về cuộc đời nói chung và việc dạy việc học nói riêng của mỗi người cũng được nhân dân trân trọng lưu truyền như những tấm gương mẫu mực cho hậu thế. Vì thế, cuốn sách không phải chỉ là những bài học đạo đức chung chung, mà còn là những bài học lịch sử thuyết phục của những người đi trước.
          Bên cạnh đó, cuốn sách là một bức tranh phác họa về một xã hội Việt Nam xưa. Đó là những người nông dân nghèo khó nhưng luôn có ý chí học tập vươn lên thay đổi cuộc đời. Đó còn là sự thượng tôn giáo dục, đạo học cao hơn cả đẳng cấp trong xã hội, dù làm vua chúa hay quan chức cũng vẫn phải kính trọng thầy.
          Những tích truyện như quan Hành khiển Phạm Sư Mạnh về thăm thầy Chu, ngựa xe làm huyên náo cả vùng bị thầy quở trách, lần sau chỉ dám mặc áo thâm, đi một mình để giữ lễ thầy trò; lời dạy của ông lão dạy cậu học trò Cao Bá Quát “bể học không bờ, siêng năng là bến”; hay triết lý học của Hải Thượng Lãn Ông “đọc sách biết nghĩa là khó, nhưng biết nghĩa cũng không khó bằng tìm ra và phân biệt được lí, mà thấy rộng được ngoài lí lại càng khó hơn”… tuy ngắn gọn nhưng lại vô cùng sâu sắc, thấm thía.
          Đọc cuốn sách này bạn đọc không chỉ biết đến những câu chuyện lịch sử dí dỏm, hóm hỉnh như “Ăn hai đấu, học thâu canh”, “Trạng  nguyên mặt”, “Thơ rắn”, “Cha con cùng học”, “Ba vạn anh hùng”…. mà còn bắt gặp những câu chuyện ấm áp tình đời, tình người, tình thầy trò cao cả như: “ Bỏ việc quan về ăn giỗ nhà thầy”, “ Tể tướng vẫn phải quỳ gối bên giường thầy”, “Kết bạn trên đường đi thi”….. Tôi nhận thấy một điều, trong các sách viết về nhà giáo cho dù nhân vật người thầy được xây dựng chính diện hay phản diện đều toát lên mong muốn về một xã hội công bằng, một nền giáo dục ưu việt mà ở đó những người chở con thuyền giáo dục của nước nhà phải là những người lái đò có phẩm chất ưu tú.
          Cho dù bối cảnh lịch sử đã thay đổi, đời sống vật chất nâng cao, cách dạy và học cũng đã đa dạng và phong phú hơn trước rất nhiều, nhưng vai trò của người thầy, của đạo thầy trò vẫn còn nguyên giá trị. Nói các câu chuyện xưa, tác giả thực ra đã mượn lời để gửi gắm thông điệp đó cho hôm nay và cả cho mai sau. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ là món ăn tinh thần bổ ích, ý nghĩa và sâu sắc cho các em học sinh trong dịp 20/11 này. Sách hiện có tại Thư viện trường ta, kính mời quý thầy cô giáo và các em học sinh tìm đọc.
          Xin chân thành cảm ơn!.
 



Nguồn tin: Thư viện trường THCS Phạm Hồng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên