Đăng nhập

Liên kết website

Số 6: NGUY CƠ TỔN THƯƠNG TÂM LÝ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VÀ NHỮNG PHƯƠNG THỨC GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH TƯ VẤN HỖ TRỢ

SỐ 6.
NGUY CƠ TỔN THƯƠNG TÂM LÝ TRÊN KHÔNG
GIAN MẠNG VÀ NHỮNG PHƯƠNG THỨC GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH
TƯ VẤN HỖ TRỢ

                                                                       PGS.TS. Trần Thành Nam
2. Bắt nạt trực tuyến và ứng phó với bắt nạt trực tuyến (Xem tiếp số 6)
2.1. Bắt nạt trực tuyến
2.1.1. Khái niệm bắt nạt trực tuyến
Bắt nạt trực tuyến là khi một người hay một nhóm người cố ý đăng, gửi hoặc chia sẻ, truyền đạt liên tục thông tin cá nhân mà không được phép, thông tin tiêu cực, đe dọa, sai sự thật về ai đó trên mạng internet thông qua các ứng dụng và các thiết bị điện tử làm ảnh hưởng đến danh dự, gây tổn thương cho họ.
Bắt nạt trực tuyến thường xảy ra ở:
  • Các ứng dụng mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook, Instagram, Twitter, v.v.
  • Tin nhắn văn bản (SMS)
- Tin nhắn tức thời (những ứng dụng chat trong email, ứng dụng nhắn tin như Zalo, Viber, Whatsapp, Messenger của Facebook)
- Thư điện tử (Email)
2.1.2. Biểu hiện của hành vi bắt nạt trực tuyến
Trẻ em và thanh thiếu niên có thể bắt nạt nhau qua mạng - một không gian ảo, nhưng hành động bắt nạt là thật và tổn thương mà người bị bắt nạt phải chịu cũng là thật! Do vậy, hiểu và nhận diện được các hành vi bắt nạt trực tuyến là vô cùng quan trọng. Rất nhiều hành vi bắt nạt trực tuyến gồm:
  1. . Lan truyền tin đồn về em trên mạng
  2. . Ghép, chế ảnh của em và đưa lên mạng
  3. . Đăng những lời cảnh cáo, đe dọa em trên mạng xã hội
  4. . Gửi tin nhắn ác ý để trêu chọc hoặc đe dọa em
  5. . Phát tán bí mật của em trên mạng
  6. . Đe dọa, chửi bới em khi chơi game trực tuyến
  7. . Viết điều không đúng sự thật về em trên mạng
  8. . Viết những bình luận chửi bới, chế giễu những gì em đăng trên mạng
  9. . Gửi thư điện tử (email) cho mọi người nói những điều xấu về em
  10. . Lập trang/nhóm trên MXH bôi xấu em công khai (VD như các trang anti, hội người ghét...)
  11. . Viết nhận xét, trạng thái tiêu cực về em trên mạng
  12. . Tìm cách lấy mật khẩu email, mạng xã hội và chia sẻ thông tin cá nhân để bôi nhọ em
  13. . Không cho em biết hoặc tham gia vào nhóm trên mạng (ví dụ: nhóm chat, diễn đàn.)
  14. . Chup, đăng hình ảnh hoặc video clip bôi nhọ, chế giễu em lên mạng.
  15. . Nhóm bạn trên mạng loại em ra và không cho em tham gia vào nhóm đó nữa
  16. . Nhiều bạn chặn tài khoản, hủy kết bạn, lảng tránh không nói chuyện với em
  17. . Chia sẻ thông tin cá nhân của em mà không được phép
  18. . Gửi cho em tin nhắn, hình ảnh, video clip đồi trụy, khiêu dâm
2.1.3. Các dấu hiệu nhận biết trẻ tham gia vào bắt nạt trực tuyến
Cũng giống như bắt nạt mặt đối mặt, một trẻ có thể tham gia vào bắt nạt trực tuyến với những vai trò như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, và là người chứng kiến vụ bắt nạt trực tuyến khi nó xảy ra. Việc nhận biết sớm giúp cho phụ huynh, giáo viên có sự can thiệp kịp thời đối với việc bắt nạt. Dưới đây là những dấu hiệu có thể cho thấy một trẻ tham gia vào bắt nạt trực tuyến
- Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt trực tuyến:
  1. Đột ngột ngừng sử dụng các thiết bị truy cập mạng internet
  2. Trở nên bí mật bất thường, đặc biệt là khi đề cập đến các hoạt động trực tuyến
  3. Muốn dành nhiều thời gian hơn với cha mẹ thay vì với bạn bè
  4. Có các cuộc gọi hoặc tin nhắn thường xuyên từ trường yêu cầu được đi về nhà vì mệt
  5. Né tránh các cuộc thảo luận về những gì các em đang làm khi trực tuyến
  6. Mất hứng thú với các hoạt động
  7. Có những câu nói liên quan đến việc tự sát hoặc ý nghĩa tiêu cực của cuộc sống
  8. Có vẻ thường xuyên trầm buồn
  9. Trở nên xa lánh, thu mình một cách bất thường với bạn thân hoặc các thành viên trong gia đình
  10. Khó ngủ hoặc không ngủ đủ
  11. Có vẻ tức giận, chán nản, hoặc thất vọng sau khi lên mạng (kể cả chơi game)
  12. Có vẻ khó chịu khi đi học hoặc ra ngoài
  13. Xuất hiện lo lắng khi sử dụng các thiết bị
- Dấu hiệu nhận biết trẻ đi bắt nạt trực tuyến:
  1. Nhanh chóng chuyển màn hình hoặc giấu thiết bị của mình khi người khác ở gần
  2. Sử dụng (các) thiết bị vào buổi đêm
  3. Bị khó chịu một cách bất thường nếu không thể sử dụng thiết bị của mình
  4. Cười quá mức khi sử dụng (các) thiết bị và sẽ không cho bạn thấy điều gì mà trẻ thấy thú vị như vậy
  5. Tránh các cuộc thảo luận về những gì trẻ đang làm trực tuyến
  6. Có vẻ như trẻ đang sử dụng nhiều tài khoản trực tuyến hoặc một tài khoản không phải là tài khoản của riêng trẻ
  7. Đang đối phó với các vấn đề hành vi có xu hướng tăng lên hoặc các biện pháp kỷ luật tại trường (hoặc ở nơi khác)
  8. Lo lắng quá mức về mức độ nổi tiếng hoặc sự hiện diện liên tục trong một vòng kết nối xã hội hoặc trạng thái cụ thể
  9. Thể hiện sự vô tâm hoặc sự nhẫn tâm đối với các thanh thiếu niên khác
  10. Bắt đầu đi chơi với đám bạn hư
  11. Thể hiện xu hướng bạo lực
  12. Tự tin quá mức với các kỹ năng và khả năng công nghệ của mình
  13. Ngày càng thu mình hoặc cô lập khỏi gia đình
2.1.4.Hậu quả của bắt nạt trực tuyến
Một học sinh có thể vừa đi/bị bắt nạt trực tiếp mặt đối mặt, vừa đi/bị bắt nạt trực tuyến. Việc bắt nạt diễn ra cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong cả đời thực và không gian ảo.
Dù là một hình thức bắt nạt gián tiếp nhưng bắt nạt trực tuyến cũng gây ra cho nạn nhân những ảnh hưởng về mặt tâm lý tương tự, thậm chí còn nặng nề hơn so với nạn nhân bị bắt nạt trực tiếp mặt đối mặt. Không chỉ có vậy, học sinh bị bắt nạt trực tuyến có các biểu hiện vấn đề hướng nội (ví dụ như trầm cảm, lo âu) và vấn đề hướng ngoại (ví dụ như rối loạn hành vi, sử dụng chất) cao hơn.
Đối với thủ phạm Đối với nạn nhân
  • Vấn đề học tập
  • Phạt kỷ luật
  • Bị bắt
  • Ảnh hưởng đến kết quả học tập
  • Ảnh hưởng đến gia đình
  • Trầm cảm
  • Lo âu
  • Bị thương ở cơ thể
  • Sử dụng chất kích thích
  • Stress
  • Tự sát
  • Tự gây tổn thương
  • Kết quả học tập giảm sút
 
2.2. Ứng phó với bắt nạt trực tuyến
2.2.1. Giáo viên và phụ huynh làm gì nếu con tham gia vào bắt nạt trực tuyến
Nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo rằng trẻ có thể tham gia vào bắt nạt trực tuyến, hãy thực hiện các bước sau để tìm hiểu thêm về hành vi của trẻ:
  1. Lưu ý - Tìm hiểu xem nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi tâm trạng của trẻ là gì? Những thay đổi này có liên quan đến việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số của trẻ hay không?
  2. Trò chuyện - Cùng trò chuyện và chia sẻ về những điều mà trẻ trải qua trong ngày/ thời gian gần đây. Hỏi xem liệu trẻ có đang gặp vấn đề gì và cần được giúp đỡ hay không?
  3. Cùng tìm giải pháp - Nếu trẻ đã chia sẻ với bạn rằng trẻ đang thực hiện những hành vi bắt nạt trực tuyến với người khác, hãy bình tĩnh. Hỏi về nguyên nhân tại sao trẻ lại làm như vậy và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết.
  4. Đồng hành - Quan tâm và để ý đến trẻ nhiều hơn một cách phù hợp, không quá gò bó, cấm đoán. Lưu ý: Cha mẹ không quá khắt khe trong việc giám sát các hành động của trẻ, cha mẹ nên đóng vai trò là người đồng hành với trẻ.
2.2.2. Giáo viên và phụ huynh làm gì khi trẻ bị bắt nạt trực tuyến?
2.2.2.1. Lưu giữ các bằng chứng
Nếu trẻ nhận được email hay tin nhắn bắt nạt, thầy/cô hãy cùng với trẻ lưu giữ lại những thông tin đó ở máy tính hoặc điện thoại bằng cách chụp ảnh màn hình. Trong trường hợp kẻ bắt nạt vẫn tiếp tục, những thông tin này có thể được coi như là bằng chứng. Mỗi khi có điều gì đó xảy ra, hãy lưu lại ngày giờ và diễn biến của sự việc, ghi chép lại những điều có thể dùng làm bằng chứng về sau.
Cách thức thực hiện:
(1) Đánh dấu trang web
- Cách 1: Nhấn tổ hợp phím Ctrl + D

 
- Cách 2: Ấn vào biểu tượng ngôi sao trắng ở góc trên bên phải màn hình, sau đó nhấn Hoàn tất, lúc này ngôi sao sẽ chuyển sang màu vàng. Như vậy, cha mẹ đã lưu đánh dấu trang thành công.

 
2) Chụp lại màn hình
Chức năng chụp màn hình của máy tính, điện thoại được sử dụng để ghi lại hình ảnh của màn hình tại thời điểm chụp. Chức năng này giúp thầy/ cô lưu giữ chứng cứ là những nội dung đe dọa, sai sự thật, v.v. mà người khác dùng để bắt nạt con trên mạng internet. Thầy/ cô hãy làm theo các bước sau đây:
Đối với hệ điều hành Window
Để chụp màn hình, đầu tiên hãy mở nội dung/ màn hình mà thầy/ cô muốn chụp. Sau đó, ấn vào nút "PrtScn" trên bàn phím. Thường thì nút này sẽ nằm ở
phía trên, bên phải của bàn phím

Với một số máy, cha mẹ cần ấn cùng lúc tổ hợp phím có logo Window và "prt sc sysrq".

Sau khi đã thao tác bẳng một trong các cách trên, những ảnh mà thầy/ cô chụp máy sẽ tự lưu lại, tuy nhiên thầy/ cô có thể mở một file Word, rồi ấn tổ hợp phím "Ctrl+V" để cho ảnh vào file word đó. Sau khi lưu file word, thầy/ cô đã hoàn thành việc lưu lại bằng chứng.
Đối với máy tính Mac
Sử dụng tổ hợp phím Command+Shift+4, một ký hiệu hình dấu + sẽ xuất hiện thay cho con trỏ chuột và chỉ cần quét ký hiệu này, thầy/ cô sẽ chụp được ảnh màn hình trong phạm vi khung mà thầy/ cô quét. Bức ảnh sẽ hiển thị lên mục Desktop (màn hình chính).

 
Tổ hợp phím chụp ảnh màn hình trên Mac OS
Ngoài ra còn có hai cách chụp màn hình khác:
Nhấn tổ hợp phím Command + Shift + 3, rồi buông ra dùng để chụp nguyên màn hình máy tính ngay lập tức mà không cần phải chọn khung màn hình cần chụp.

Tổ hợp phím chụp toàn màn hình
Command + Shift + 4 + Spacebar (thanh dài), biểu tượng con chuột sẽ biến thành hình máy Camera, và khi di chuyển đến thành phần nào thí dụ như một cửa sổ duyệt web, màn hình chính hoặc trong một ứng dụng, thì phần cửa sổ đó sẽ nổi lên màu xanh và cha mẹ có thể nhấn vào cửa sổ đó để chụp lại ảnh chỉ riêng của cửa sổ đó mà thôi.



2.2.2.2. Không phản hồi
Kẻ bắt nạt trực tuyến luôn muốn nạn nhân phản ứng với hành động của họ. Nếu thể hiện rằng bản thân bị tổn thương hay tức giận thông qua việc phản hồi, điều đó có thể sẽ khiến họ cảm thấy thỏa mãn. Ngoài ra, họ cũng có thể thử xem phản ứng của nạn nhân như thế nào với mục tiêu là khiến nạn nhân bị chặn/ rời khỏi các trang mạng hoặc nhóm chat. Vì vậy, hãy nói chuyện và chia sẻ với học
sinh của bạn về điều này để tránh việc trẻ có những phản hồi về tin nhắn bắt nạt đó.
2.2.2.3. Chặn những kẻ bắt nạt
Hãy nói với trẻ để chặn những địa chỉ email hoặc tài khoản đã gửi tin nhắn bắt nạt. Đôi khi, thủ phạm có thể có những tài khoản ảo hoặc có nhiều tài khoản khác nhau. Trong trường hợp này, hãy liên hệ với ban quản trị nền tảng ứng dụng hoặc mạng xã hội để báo cáo nội dung xúc phạm và xóa nội dung đó
Một số cách chặn tài khoản trên các trang mạng xã hội
  1. Facebook: Hiện tại, trên facebook đã có cách thức để hỗ trợ người dùng trong trường hợp bị bắt nạt trực tuyến
(Link: https://ww.facebook.com/help/420576171311103/)
  1. Gmail: Khi chặn tài khoản email của một người, thư của họ sẽ được chuyển vào thư mục Spam. Các bước thực hiện gồm:
  • Bước 1: Truy cập vào Gmail
  • Bước 2: Mở thư
  • Bước 3: Ở trên cùng bên phải của thư, hãy nhấp vào biểu tượng “ Thêm”. Lưu ý: nếu bạn đang sử dụng Gmail cổ điển, hãy nhấp vào biểu tượng mũi tên xuống
  • Bước 4: Nhấp vào “Chặn” người gửi (Trong trường hợp chặn nhầm người, bạn cũng có thể làm lại các bước trên và nhấp vào “bỏ chặn”)
  1. Instagram và Zalo

 
2.2.2.4. Hãy nói với ai đó
Khi bị bắt nạt trực tuyến, có trẻ sẽ bỏ qua và không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có nhiều trẻ bị tổn thương về tinh thần, các em cảm thấy chán nản, cô đơn
và suy sụp, sợ hãi hoặc tức giận, phẫn nộ. Vì vậy, hãy trò chuyện với trẻ về điều này và giúp trẻ vượt qua những trải nghiệm đó nếu có thể. Đồng thời, khuyến khích chia sẻ về việc các em bị bắt nạt. Bắt nạt có thể gây ra rất nhiều tổn thương, vì vậy giáo viên cần gợi mở, khuyến khích học sinh nói với giáo viên hoặc phụ huynh biết nếu các em bị bắt nạt, và giáo viên sẽ cần liên hệ với phụ huynh để cùng giải quyết vấn đề. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhà trường cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng, công an can thiệp.
  1. Tìm kiếm sự trợ giúp
Trong trường hợp thầy/ cô không có đủ kinh nghiệm và khả năng, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ các nhà tham vấn tâm lý để hỗ trợ tâm lý cho trẻ.
  1. Khi học sinh chứng kiến người khác bị bắt nạt, chúng ta cần tư vấn cho học sinh cần phải làm gì?
  1. Giúp kết thúc việc bắt nạt
Cách thức thực hiện:
  • Nói chuyện với phụ huynh, giáo viên hoặc người lớn khác mà con tin tưởng. Người lớn cần phải biết khi nào những điều xấu xảy ra để họ có thể giúp đỡ.
  • Hãy tử tế với bạn bị bắt nạt. Cho họ thấy rằng con quan tâm bạn. Ngồi cùng với bạn vào bữa trưa hoặc trên xe buýt, nói chuyện với bạn ở trường, hoặc rủ bạn làm điều gì đó, giúp bạn biết rằng họ không đơn độc.
  • Không nói bất cứ điều gì có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn cho tất cả mọi người. Kẻ bắt nạt sẽ nghĩ rằng sẽ ổn nếu tiếp tục đối xử với người khác theo cách đó
  1. Sẵn sàng đứng lên ủng hộ việc dừng bắt nạt trên mạng
Cách thức thực hiện:
  • Không khuyến khích, cổ vũ hành vi bắt nạt. Ví dụ: Không "thích" hoặc chia sẻ nhận xét và bài đăng có nội dung xấu, bắt nạt ai đó.
  • Không tham gia vào việc bắt nạt chỉ để phù hợp với số đông
  • Hãy đứng lên vì nạn nhân - Con có thể ủng hộ họ thông qua các hành động như gửi tin nhắn văn bản thân thiện, tạo bài đăng tích cực trên trang của họ.
  • Báo cáo bắt nạt với trang web hoặc nhà cung cấp dịch vụ
  • Báo cho người lớn mà con tin tưởng (cha mẹ, thầy cô, v.v.).
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/NFdZC418qvQ https://youtu.be/FKA0d4XiLj8
  1. Kỹ năng an toàn trên không gian mạng (xem tiếp số 6)
 


Tác giả bài viết: PGS.TS. Trần Thành Nam
Từ khóa:

bắt nạt, ứng phó

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên