Đăng nhập

Liên kết website

Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid 19 số 1

Đặc trưng tâm lý của học sinh phổ thông - công dân thế hệ Z ngày nay

Trong quá trình phát triển đời người, giai đoạn lứa tuổi từ 6 - 18 hay còn gọi là lứa tuổi học sinh phổ thông được xem là giai đoạn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển các đặc tính cá nhân và những phẩm chất, nhân cách. Những đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh phổ thông được hình thành, phát triển không chỉ bởi các điều kiện sinh lý lứa tuổi, mà còn bị chi phối và quyết định bởi giáo dục gia đình, bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục nhà trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực công nghệ thông tin, Internet... đã “sinh ra” nhóm cư dân “thế hệ Z” (Gen Z), đây là thuật ngữ sử dụng để chỉ nhóm nhân khẩu học những người sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010 (hoặc từ năm 1996 đến 2012). Thế hệ Gen Z thường được mọi người gọi bằng một tên gọi khác như hậu Millennials, Gen Tech, Gen Wii, Digital Natives, thế hệ Internet, Generation Z, iGen, Homeland Generation, Neo-Digital Natives, Net Gen, Pluras, Zoomers,...

Những đặc trưng tâm lý của thế hệ Z có những điểm khác biệt rất rõ nét so với thế hệ cha mẹ, ông bà trước đó. Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết những bạn học sinh thuộc thế hệ Z với những đặc trưng tâm lý như sau:

Đam mê công nghệ và có xu hướng lạm dụng công nghệ và mạng xã hội.

Do sinh ra trong giai đoạn các thiết bị điện tử công nghệ cao bùng nổ, internet không còn là điều xa lạ và và học sinh có thể thoải mái kết nối trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài giờ học, điện thoại, ipad, laptop trở thành phương tiện giải trí gần gũi và phổ biến. Học sinh dành nhiều thời gian hơn trước màn hình máy tính, điện thoại nên tiếp nhận thông tin nhanh hơn, nhiều hơn và chính vì vậy cũng dễ bị tiêm nhiễm bởi những tin tức độc hại hoặc tham gia vào các cuộc khẩu chiến trên các trang mạng xã hội. Việc chơi game hoặc xem livestream trên các nền tảng số đã trở thành thói quen và tiêu tốn nhiều thời gian của học sinh

Sự ích kỷ, đề cao tính cá nhân


Tỷ lệ sinh thấp, nhiều gia đình ngày nay chỉ có từ 1 đến 2 con nên những đứa trẻ được cưng chiều hơn, được cha mẹ đầu tư cho con cả về vật chất và sự chăm sóc. Bên cạnh đó, công việc bận rộn cũng khiến cho cha mẹ có ít thời gian quan tâm, chia sẻ với con khiến cho GenZ trở lên ích kỷ, ít gắn bó với cha mẹ và ít coi trọng những giá trị gia đình

Khả năng học tập và sáng tạo không ngừng.

Gen Z được xem thông minh và nhanh nhạy hơn trong việc tiếp cận và học hỏi những tri thức mới của nhân loại, do được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin trên internet, báo chí, truyền thông, đặc biệt khả năng ngoại ngữ giúp Gen Z mở rộng kiến thức ra ngoài phạm vi quốc gia. Tất cả điều này khiến cho Gen Z có năng lực học tập cao, luôn sáng tạo, làm ra những nội dung tốt, độc đáo nếu biết cách khuyến khích. Tuy nhiên, Gen Z không thích học kiểu hàn lâm mà muốn được tiếp cận những kiến thức mang tính ứng dụng cao, thích học kỹ năng và muốn học những gì có thể kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng.

Coi trọng sự khác biệt

Được tiếp cận nhiều nguồn thông tin, được cởi mở trong nhận thức giúp cho Gen Z suy nghĩ thoáng hơn, coi trong sự khác biệt như ủng hộ hôn nhân đồng giới, ủng hộ chuyển giới, sống thử, hẹn hò qua mạng. Niềm tin của Gen Z về các vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo cũng cởi mở và đa dạng hơn, coi trọng các vấn đề thời sự của đất nước nhiều hơn. Cũng vì coi trọng sự khác biệt của người khác, nên Gen Z cũng mong muốn bố mẹ và thầy cô giáo chấp nhận những cá tính độc đáo của họ khi thể hiện ở đầu tóc, quần áo hay quan điểm và lối sống.

Những bất ổn trong tâm lý và vấn đề sức khoẻ tâm thần

Thời gian học tập tại trường và những nội dung học tập cần giải quyết luôn là nỗi lo lắng của học sinh vì thiếu thời gian cũng như độ khó của bài tập ngày càng tăng. Sự căng thẳng này diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt vào các kỳ kiểm tra hay vào mùa thi. Những mâu thuẫn trong giao tiếp, ứng xử giữa bạn bè cũng dễ bùng nổ thành những vụ bạo lực học đường, điều này gây ra sự hoang mang, lo lắng cho những nạn nhân của các vụ tấn công học đường.

Sự dễ dàng tiếp cận với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc là điện tử... cũng dễ dẫn tới việc lạm dụng các chất này của học sinh.

Sự sợ hãi thất bại, tính bất định của cuộc sống làm cho Gen Z dễ rơi vào trạng thái lo âu và trầm cảm hơn.

Thích thể hiện cá tính và ám ảnh về sự thành công

Với GenZ, dường như khẳng định về diện mạo bên ngoài là một nỗi ám ảnh. Họ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi người nổi tiếng là ca sỹ, diễn viên, thậm chí cả những kẻ xấu nhưng thể hiện giàu có hay cá tính kiểu như giang hồ mạng. Sự bùng nổ của các trang mạng xã hội khiến cho Gen Z mất nhiều thời gian để khẳng định bản thân thông qua hình ảnh, thông tin cập nhật từng giờ, từng phút để thu hút sự chú ý của bạn bè. Họ bắt nhịp những trào lưu trên mạng một cách nhanh chóng, thích đồ hiệu và chạy theo trào lưu. Thương hiệu giờ là khẳng định đẳng cấp; nhu cầu sử dụng đồ độc bản, không đụng hàng nhưng nhiều khi không có đủ khả năng chi trả nên xu hướng sẽ thuê đồ để dùng hơn là mua; mua chưng diện đồ fake; tỉ lệ chi tiêu cho những thứ làm nổi bật cá tính qua hình thức bên ngoài ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng "nghèo sang chảnh". Xu hướng vay tín chấp để tiêu trở nên phổ biến hơn và khi đối diện với khủng hoảng như Covid là cực kỳ khó khăn để học sinh có thể thanh toán khoản vay vì không có tiết kiệm.

Những tác động của môi trường xã hội, gia đình và dịch bệnh đến các vấn đề tâm lý của học sinh hiện nay.

Tác động của môi trường xã hội đến tâm lý của học sinh phổ thông

Gia đình ít con và cấu trúc gia đình hạt nhân khiến cho các bậc cha mẹ dành nhiều hơn sự quan tâm và cả những kỳ vọng lên con cái của mình. Việc đầu tư không hạn chế vào giáo dục khiến cho cha mẹ phải có các biện pháp nhằm giúp cho con em mình đạt được thành tích cao nhât trong học tập với hy vọng các con sau này sẽ độc lập và trưởng thành. Tuy nhiên, các gia đình càng quan tâm và đầu tư cho việc học của con mình bất chấp năng lực của con, vô hình chung sẽ tạo nên một áp lực lớn lên con trẻ.

Ép con vào trường chuyên, lớp chọn, yêu cầu con phải luôn giữ vị trí hàng đầu trong lớp thông qua điểm số ngày càng cao. Đầu tư các môn năng khiếu như nhạc, hoạ vào các khoảng thời gian ngoài giờ chính khoá khiến cho nhiều học sinh không có đủ thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

Nhiều bậc cha mẹ với nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng không dành được nhiều thời gian và tài chính cho con. Sợ bị thua kém bạn bè, tự ti về hoàn cảnh gia đình khiến cho nhiều bạn học sinh thấy căng thẳng trong các mối quan hệ giao tiếp với bạn bè, hay tham gia vào các hoạt động chung của tập thể.

Nhiều cơ sở giáo dục lấy thành tích của học sinh là thước đo sự thành công của nhà trường khiến cho các giáo viên chủ nhiệm phải nghĩ ra nhiều hình thức để thúc đẩy việc học của học sinh trong lớp, khiến cho nhiều học sinh trở nên căng thẳng, áp lực.

- Áp lực bên ngoài đến từ gia đình, thầy cô, xã hội... việc học, điểm số, bạn bè, sự kỳ vọng của cha mẹ, thành tích của nhà trường

- Áp lực lên trong: từ bản thân trẻ, những áp lực phát sinh từ sự thay đổi về tâm sinh lý của sự phát triển; trẻ bắt đầu hưng phấn về tình dục, cảm giác khi đối diện với người khác giới, sự không tin tưởng ở tương lai.

Những áp lực học tập xuất phát từ kỳ vọng của gia đình và thành tích của nhà trường sẽ đè nặng lên đôi vai của trẻ khiến trẻ chịu những hậu quả như:

- Sức khỏe tinh thần giảm sút: trẻ bị áp lực tâm lý nặng nên sinh ra các vấn đề tinh thần như ủ rũ, mệt mỏi, khó chịu, cáu gắt; sự linh hoạt, năng động, sáng tạo bị hạn chế; trẻ dễ lâm vào tình trạng stress kéo dài, gây ảnh hưởng tới sức khỏe các cơ quan trong cơ thể.

- Sức khỏe thể lực bị giảm sút: vấn đề trẻ không ngủ đủ giấc, không ăn uống đủ chất, không tham gia các hoạt động ngoài trời dẫn đến vấn đề chậm phát triển xương, suy giảm khả năng miễn dịch, yếu cơ, chậm phát triển chiều cao, thiếu sự nhanh nhẹn, hoạt bát trong các hoạt động xã hội,...

- Tâm lý sợ học, sợ thi là một triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường gặp, gây ảnh hưởng tới sinh lý và rối loạn hormon ở trẻ.

- Xuất hiện các hành vi chống đối: bỏ học, trốn học, sa ngã vào cờ bạc, nghiện hút, ma túy, rượu bia. nhằm cố ý phản đối và trốn tránh hiện thực. Sự sa ngã này phần lớn là do yếu tố khách quan đem lại.

Dịch bệnh, học tập trực tuyến kéo dài và những ảnh hưởng của nó tới những rối nhiễu tâm lý ở học sinh

Dịch bệnh Covid-19 và những tác động của nó tới tâm lý học sinh

Trong cuộc sống luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thân. Đại dịch Covid - 19 tràn tới Việt Nam và có những tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống tinh thân. Dịch covid -19 được xem như một sang chấn thúc đẩy những rối nhiễu tâm lý diễn ra nhanh hơn, với mức độ trầm trọng hơn, đặc biệt là đối với trẻ em nói chung và đối với những trẻ có cha mẹ, người thân mất trong đại dịch, hay trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật hay những nhóm trẻ yếu thế khác.

Theo nhiều chuyên gia, Covid - 19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người khiến chúng ta dễ mắc phải những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang trấn. Đối với trẻ em trong lứa tuổi học sinh, những vấn đề tâm lý mắc phải sau một thời gian dài sống trong các điều kiện hạn chế việc đi lại, giao tiếp, việc học tập trực tuyến kéo dài, các mối quan hệ giao tiếp trực tiếp với bạn bè bị gián đoạn, các hoạt động khác như các ngày lễ, ngày kỷ niệm không được thực liiện... khiến cho học sinh trở thành nhóm đối tượng dễ mắc phải những vấn đề tâm lý nhất. Có thể kể ra những rối nhiều tâm lý thường gặp ở học sinh trong đại dịch Covid như sau:

- Đối với các em học sinh có bố mẹ, người thân, thậm chí bản thân bị mắc covid -19 phải sống trong bệnh viện để điều trị, hay sống trong các khu cách ly bắt buộc, hoặc sống trong vùng dân cư bị phong toả do có F0 thường có phản ứng rất mạnh

- Một số học sinh có biểu hiện suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ nên việc tiếp thu bài học cũng gặp khó khăn.

- Covid - 19 gây ra sự lo âu, sợ hãi, căng thẳng. Các em học sinh trong trong khu cách ly, hoặc khu dân cư bị phong toả do có người mắc Covid - 19 sợ hãi rằng mình sẽ bị mắc bệnh, sợ bị chết, sợ bị bỏ rơi do bố mẹ chết hoặc đang phải điều trị tích cực trong bệnh viện.

- Sự kỳ thị của mọi người đối với những gia đình có người mắc Covid, sự mất mát người thân vì dịch bệnh càng khiến cho những vấn đề căng thẳng, lo âu, sợ hãi... trở nên nghiêm trọng hơn.

- Việc cách ly tại nhà không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn, sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.

- Đối với trẻ em nghèo, dịch bệnh Covid -19 kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của gia đình, việc đảm bảo lương thực cũng là mối lo không kém gì nguy cơ bị mắc bệnh. Tình hình kéo dài khiến cho nhóm học sinh thêm tự ti, thu mình, ngại giao tiếp bằng lời và ngày càng trở lên sợ hãi, lo lắng.

Học online và những vấn đề tâm lý

Học online hay học trực tuyến vẫn là giải pháp tình thế mà các nhà trường đang phải áp dụng trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19 diễn ra phức tạp. Học trực tuyến trong điều kiện học sinh học tập tại nhà, thiếu vắng các mối quan hệ bạn bè, khó khăn trong tương tác trực tiếp với giáo viên, không gian và môi trường học tập không đảm bảo. khiến cho nhiều học sinh gặp phải những khó khăn tâm lý ở các mức độ khác nhau.

Thời gian học online và phải ở nhà quá lâu nên học sinh có thể bị mất tập trung, giảm hứng thú và động cơ học tập; cảm thấy chán học, hoặc căng thẳng trong học tập. Về giao tiếp, nhiều học sinh cảm thấy cô đơn, bối rối, buồn, quan hệ bạn bè giảm sút, kém chất lượng; nguyên nhân bởi thiếu đi sự tương tác bạn bè, thiếu tương tác cảm xúc khi giao tiếp bị hạn chế.

Tham gia vào mạng xã hội hoặc tương tác qua các ứng dụng học tập khiến cho học sinh trở nên ngại giao tiếp tương tác thật, có thể thu mình hoặc giao du thái quá và bị lệ thuộc vào bạn bè trên mạng xã hội.

Việc ngồi quá nhiều trước các thiết bị điện tử sẽ có hại cho mắt, não và các bộ phận khác của cơ thể. Bên cạnh đó, tâm lý của học sinh cũng sẽ không ổn định, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung và trí nhớ. Sau thời gian dài học trực tuyến, ở nhiều học sinh đã có xuất hiện các dấu hiệu như chán nản, lo lắng, buồn, sợ hãi, bối rối, giảm hứng thú, bất an, bồn chồn, mất tập trung, mệt mỏi, khó giữ được cảm xúc. Điều này khiến khả năng chú ý, tập trung của người học hạn chế nên khi ngồi trước điện thoại, máy tính lâu họ cũng cảm thấy rất mệt mỏi.

Học online đồng nghĩa với việc các em không được tham gia vào các hoạt động tập thể, cộng đồng và các phong trào trong trường học. Chính vì thế, nhiều em học sinh sẽ cảm thấy rất bức bối, bí bách. Bởi trước đây, ngoài các hoạt động học tập, các em thường xuyên tham gia vào các câu lạc bộ, tham gia hoạt động nhóm hay các hoạt động thể dục thể thao (đá bóng, bóng rổ...), các phong trào tập thể ngoài giờ học chính khóa.

Trong thời gian dịch bệnh, học sinh sẽ học online còn phụ huynh của trẻ có thể bị mất việc làm hoặc làm việc tại nhà, những sự gián đoạn này có thể làm dấy lên nỗi sợ hãi, căng thẳng cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, hằng ngày học sinh thường xuyên tiếp nhận nhiều thông tin trên truyền thông về dịch bệnh, tệ nạn, khó khăn, thiếu thốn của mọi người, sự chết chóc của những người bị nhiễm bệnh, trẻ em thậm chí bị nhiễm bệnh, bị cách ly hay có cha mẹ bị cách ly, trẻ em bị mồ coi do cha mẹ mất vì Covid - 19. cũng sẽ dẫn đến lo lắng, căng thẳng, bất an.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Westrupp và cộng sự ở Úc, các nhân tố gây căng thẳng có liên quan đến COVID-19 đến từ tâm lý (như cảm nhận từ đại dịch), nhân tố môi trường (mất việc, thay đổi nhân viên, bệnh, thiếu nguồn cung thực phẩm, hoặc tài chính) hay mức độ cập nhật tin tức từ nhiều nguồn thông tin truyền thông và việc cân bằng giữa chăm sóc con cái và vật lộn với công việc. Tất cả các yếu tố này đa phần có mối liên hệ với việc tăng căng thẳng, lo âu đến bố mẹ và con cái, hay bố mẹ thay đổi cảm xúc, cáu kỉnh nhiều hơn với con (Westrupp et al., 2020).

Box: Nhận diện những rối nhiễu tâm lý thường gặp ở học sinh trong các giờ học trực tuyến dưới tác động của Covid-19

Trong các giờ học online, giáo viên sẽ bắt gặp những phản ứng tâm lý sau ở học trò. Hơn lúc nào hết, giáo viên cần bình tĩnh, nắm bắt tâm lý, kiểm soát cảm xúc của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh

- Sự ức chế do mệt mỏi, căng thẳng khiến cho học trò ít tương tác với thầy cô khi được hỏi bài trong giờ

- Trí nhớ giảm sút, khiến cho việc trả lời bài cũ hoặc kiến thức cũ của học sinh bị chậm lại

- Lo lắng, sợ hãi khiến cho học sinh khó tập trung được vào bài học, dù giáo viên nhắc nhở nhưng tình trạng ít thay đổi

- Căng thẳng tâm lý, lo âu nhưng không muốn bị người khác bắt gặp dẫn tới học sinh tìm cách né tránh việc bật camera trong giờ học hoặc bật nhưng cho Camera của máy tính chĩa lên trần nhà, hoặc đưa vào 1 khoảng vô định để giáo viên không nhìn thấy mặt.

- Cảm xúc mạnh, thiếu kiềm chế nếu giáo viên yêu cầu cao về nhiệm vụ học tập hoặc khi giáo viên phê bình.

- Đối với học sinh gia đình khó khăn, việc ít được sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại để học tập khiến cho trẻ dễ lúng túng, luống cuống khi giáo viên yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Trầm cảm, căng thẳng tâm lý học đường ở học sinh: Nhận diện sớm và các biện pháp hỗ trợ

(Xem số tiếp theo)

Tác giả bài viết: PGS.TS. Phạm Mạnh Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên