Đăng nhập

Liên kết website

Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid 19 số 2

3. Trầm cảm, căng thẳng tâm lý học đường ở học sinh: Nhận diện sớm và các biện pháp hỗ trợ
3.1. Nhận diện học sinh bị trầm cảm, lo âu
Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Cha mẹ đặc biệt cần có sự quan tâm, chia sẻ với trẻ để tránh xảy ra những nguy hại do chứng trầm cảm tuổi học đường.
Trầm cảm là rối loạn tâm lý gây ra tâm trạng buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, uể oải, mất hứng thú kéo dài. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho người mắc như: suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, các rối loạn tâm thần khác khiến người bệnh tìm cách tự tử.
Trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể đến từ các nguyên nhân như:
+ Chịu áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội: Những áp lực từ việc học hành, từ các mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội cũng như việc dạy dỗ từ gia đình, nhà trường gây cho các em cảm giác căng thẳng, stress, mệt mỏi, áp lực lớn và kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng trầm cảm
+ Giai đoạn tâm sinh lý thay đổi: Ở lứa tuổi học đường là các em sẽ bước vào thời kỳ dậy thì, tâm sinh lý ở khoảng thời gian này đang thay đổi nên các em chưa có đủ khả năng nhận thức toàn diện về một vấn đề gặp phải. Các em dễ bị ảnh hưởng từ chính những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi cá nhân. Trong trường hợp này, nếu không được định hướng đúng thì những suy nghĩ và hành vi tiêu cực sẽ ám ảnh các em gây nên những hành động đáng tiếc.
+ Nguyên nhân sinh học: Các chất dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm chức năng dẫn truyền tín hiệu tới những thành phần khác của não bộ và cơ thể. Khi các chất dẫn truyền này bị biến đổi hoặc hư hại thì chức năng cảm thụ của hệ thần kinh cũng bị thay đổi, dẫn đến bệnh trầm cảm.
+ Đặc điểm di truyền: Những người có người thân bị trầm cảm thường có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với những người bình thường.
+ Bị ám ảnh những đau thương từ lúc nhỏ cũng là nguyên nhân khiến các em bị trầm cảm. Những việc đau thương thời thơ ấu như bị lạm dụng thể xác và tinh thần, người thân qua đời,... gây thay đổi trong não bộ, khiến các em ở lứa tuổi học đường dễ bị trầm cảm hơn.
+ Lối sống không lành mạnh: Những thói quen xấu ở tuổi thanh thiếu niên như lười vận động, nghiện điện tử, thức khuya, ăn uống không điều độ, sử dụng các loại chất kích thích... có thể gây suy giảm thể chất, suy nhược thần kinh dẫn đến trầm cảm.
+ Những học sinh là giới tính thứ ba: Khi các em nhận ra giới tính thật của bản thân sẽ thường tự ti, mặc cảm và nhiều khi do sự trêu chọc, dè bỉu của bạn bè mà dẫn đến áp lực rồi trầm cảm.
9 dấu hiệu trầm cảm ở tuổi học sinh
Các trẻ em ở tuổi dậy thì thường sẽ chịu nhiều thay đổi về cảm xúc, hành vi, ngoại hình, khiến cho trẻ cảm thấy khó khăn và không thể thích nghi kịp thời. Chính vì thế, hiện nay tình trạng trầm cảm ở tuổi dậy thì ngày càng gia tăng, gây nên nhiều ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của trẻ. Để có thể giúp trẻ kiểm soát và điều trị tốt chứng bệnh này, trước hết các bậc phụ huynh cần nắm rõ một số dấu hiệu để nhận biết bệnh kịp thời:
+ Khí sắc trầm buồn
Hầu hết các đối tượng bị trầm cảm ở tuổi dậy thì sẽ có khí sắc buồn bã, chán nản, không có năng lượng. Tình trạng này sẽ thường xuyên diễn ra và kéo dài trong suốt nhiều tuần nhưng không biết rõ nguyên do. Lúc này trẻ sẽ ít nói, trở nên trầm tính hơn, không còn hứng thú đối với các hoạt động bên ngoài, luôn tỏ ra buồn bã, khuôn mặt trầm xuống. Đây cũng chính là một trong các dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì.
+ Mất dần hứng thú
Người bệnh sẽ cảm thấy không còn hứng thú đối với những hoạt động xung quanh, kể cả những trò chơi, công việc đã từng yêu thích lúc trước. Lúc này, trẻ sẽ có xu hướng muốn cô lập bản thân, không muốn giao tiếp, trò chuyện với những người bên ngoài, kể cả người thân trong gia đình. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện rụt rè, nhút nhát, không muốn vận động, thay vào đó sẽ cảm thấy an toàn khi ngồi yên một chỗ, đặc biệt là những nơi không có nhiều ánh sáng.
+ Giận dữ vô cớ
Khi các áp lực tác động đến trẻ thường xuyên và kéo dài trong một khoảng thời gian sẽ khiến cho sẽ dễ tức giận và nóng tính, không thể tự kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Ngay cả khi không có vấn đề gì xảy ra hoặc một sự việc rất bình thường cũng có thể khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, giận dữ vô cớ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu các cơn tức giận không thể giải tỏa được triệt để sẽ làm cho trẻ xuất hiện các hành động đập phá, la hét hoặc có thể tự gây tổn thương cho bản thân và những người xung quanh.
+ Cảm thấy bi quan
Những bệnh nhân rơi vào tình trạng trầm cảm ở tuổi dậy thì thường sẽ không có niềm tin vào cuộc sống, cảm thấy bi quan và luôn xem mình là nạn nhân của tất cả mọi việc. Họ luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thậm chí còn có ý nghĩ cho rằng người khác đang thương hại mình. Chính vì thế mà các đối tượng này có xu hướng muốn né tránh mọi người, tự tạo cho mình một lớp màn bảo vệ để lánh khỏi thế giới bên ngoài.
+ Khó tập trung, hay quên
Khi tâm lý thường xuyên bị tác động, những suy nghĩ tiêu cực, buồn bã luôn xuất hiện sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó có thể tập trung vào bất kỳ việc gì, đặc biệt là việc học tập. Ngoài ra, trẻ còn có triệu chứng hay quên, không thể ghi nhớ được khối lượng lớn công việc và thường xuyên không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
+ Cảm thấy bản thân vô dụng
Những bệnh nhân bị trầm cảm ở tuổi dậy thì thường sẽ có cảm giác thất vọng về bản thân, cảm thấy tội lỗi và tự giày vò chính mình. Người bệnh sẽ tự cảm thấy không thể hoàn thành được bất kể công việc gì, dù là việc nhỏ nhất, từ đó không muốn thực hiện các công việc hàng ngày. Khi hiện tượng này không thể kiểm soát tốt sẽ khiến cho trẻ dần mất đi niềm tin vào bản thân, stress, căng thẳng, không có hi vọng về tương lai dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút, các mối quan hệ dần tan vỡ.
+ Chống đối, nổi loạn
Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì sẽ có xu hướng khiến cho trẻ trở nên chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người. Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì trẻ sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin.
+ Nhạy cảm với những lời phê bình
Trẻ em khi bước vào độ tuổi dậy thì thường sẽ rất nhạy cảm với các lời chê bai, góp ý của người lớn. Đặc biệt là những trẻ mắc phải căn bệnh trầm cảm còn có cảm xúc bị xúc phạm khi cha mẹ hoặc người thân trong gia đình phê bình bản thân. Thông thường trẻ sẽ phản kháng lại bằng những cơn giận dữ, bực tức. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho trẻ tự cảm thấy bản thân không còn giá trị, mất dần tự tin.
+ Nghĩ đến cái chết
Tình trạng trầm cảm kéo dài và không có biện pháp điều trị thích hợp sẽ dần khiến cho trẻ bắt đầu có suy nghĩ về cái chết, luôn muốn tự sát để giải thoát cho bản thân. Người bệnh sẽ thường xuyên xuất hiện những suy nghĩ này và liên tục muốn thực hiện chúng để giúp bản thân tránh khỏi những cơn bực tức, khó chịu, căng thẳng.
Hầu hết các triệu chứng kể trên của mọi người là tạm thời và sẽ tự biến mất trong một thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, với một số người, đặc biệt là trẻ em và vị thành niên, các triệu chứng này có thể kéo dài hàng tuần hay hàng tháng và có thể ảnh hưởng tới các hoạt động chức năng trong cuộc sống. Một số người cũng có những phản ứng phức tạp hơn, thường cần được trợ giúp hoặc cần có hỗ trợ chuyên sâu.
Những điều giáo viên cần biết khi hỗ trợ học sinh bị trầm cảm
Những triệu chứng trầm cảm ở học sinh không tự nhiên mất đi - và chúng có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng nếu không được chữa trị. Do vậy, giáo viên khi phát hiện học sinh của mình có những dấu hiệu trầm cảm, cần phải làm những việc sau ngay:
  • Thay vì tức giận vì hành vi của học sinh trở nên khó bảo, giáo viên cần trò chuyện, lắng nghe, thấu hiểu những tâm tình của học trò để hiểu được tận gốc vấn đề.
  • Khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tập thể, để có thêm niềm vui vào cuộc sống học đường
  • Hướng dẫn học sinh giữ gìn sức khoẻ thông qua bài tập thể thao
  • Giúp học sinh lập được kế hoạch học tập một cách khoa học và vừa sức. Hạn chế để học sinh có nhiều thời gian rảnh để suy nghĩ tiêu cực.
  • Khuyến khích học sinh đi ngủ đúng giờ
  • Trao đổi với phụ huynh và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những chuyên gia trong lĩnh vực này.
3.2. Nhận diện học sinh bị căng thẳng tâm lý học đường
Trong nhịp sống hiện đại, stress học đường không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Tỷ lệ học sinh mắc phải tình trạng này đang có xu hướng gia tăng theo thời gian.
Stress học đường là phản ứng tự nhiên của cơ thể học sinh trước áp lực quá tải, triền miên từ việc học tập hay những trách nhiệm phải hoàn thành. Những yếu tố gây căng thẳng, mệt mỏi này thường xuất phát từ kỳ vọng quá lớn của nhà trường, gia đình và bạn bè.
Vì mong muốn con em đạt được thành tích học tập thật tốt, nhiều bậc phụ huynh đã ép con rèn luyện, học thêm, bồi dưỡng kiến thức quá nhiều trong khi ăn uống vội vàng, qua loa cũng như không đủ thời gian giải trí, thư giãn.
Lo lắng vì áp lực điểm số vì nếu không đạt được kết quả mong muốn, học sinh sẽ phải nhận nhiều hình thức kỷ luật từ bố mẹ hay thầy cô.
Hơn nữa, những thay đổi đáng kể về mặt tâm - sinh lý ở tuổi dậy thì, mâu thuẫn với bạn cùng lớp, thân hình không cân đối, chuyển trường, chuyển nhà... cũng là những nguồn cơn gây ra tình trạng stress học đường thường gặp nhất.
Dấu hiệu nhận biết khi học sinh bị căng thẳng tâm lý học đường:
+ Luôn cảm thấy mình là người thất bại không có giá trị
Khi học sinh luôn có cảm giác bản thân mình vô dụng, không tìm ra đam mê và giá trị của bản thân mình thì rất có thể các em đang có dấu hiệu stress học đường.
+ Luôn luôn có cảm giác buồn bực không rõ lý do
Khi các học sinh bị stress học đường thì sẽ có biểu hiện trầm buồn lo lắng, những chuyện mang tính chất rất bình thường cũng khiến các em suy nghĩ và buồn phiền không rõ lý do. Ngoài nỗi buồn thì ở một số học sinh, các em sẽ có những biểu hiện tức giận khi đối diện với vấn đề, không làm chủ và không kiểm soát được cảm xúc,...
+ Mất hứng thú với những đam mê của bản thân
Khi thấy các em mất hứng thú trong tất cả mọi việc kể cả đam mê của bản thân thì rất có thể các em đang có vấn đề tâm sinh lý mà có thể là do stress học đường gây ra.
+ Thích ở một mình
Nếu học sinh xuất hiện thói quen, sở thích chỉ thích ở một mình, tách khỏi bạn bè người thân và xã hội thì đây là điều bất thường trong tâm lý. Khi thấy lứa tuổi học sinh có những biểu hiện này, hãy nghĩ ngay đến học sinh đang gặp phải căng thẳng tâm lý.
+ Luôn có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống và con người
Đến 70% học sinh khi bị những stress học đường luôn nghĩ đến cái chết và đã có rất nhiều những cái chết thương tâm xảy ra. Ở tuổi vị thành niên, các em phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, ganh đua điểm số với bạn bè, những buổi học thêm dày đặc rất dễ khiến các em kiệt quệ về tinh thần và thể lực.
Những điều giáo viên cần biết khi hỗ trợ học sinh bị căng thẳng học đường
  • Tìm hiểu các dấu hiệu căng thẳng liên quan đến trường học
  • Xác định đúng nguyên nhân của căng thẳng học đường
  • Giao nhiệm vụ học tập vừa sức, giảm bớt các yêu cầu đối với kết quả học tập.
  • Không gây áp lực, kỳ vọng cao đối với học sinh
  • Không nên giận giữ, quát mắng hay ép học sinh học tập bằng những lời lẽ gay gắt, giận giữ hay mỉa mai.
  • Lắng nghe những vấn đề của học sinh
  • Thực hiện giáo dục theo định hướng cá nhân hoá. Dạy học có tính đến năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của người học
  • Luôn động viên, khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào hoạt động giáo dục nhà trường
  • Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện với cha mẹ, thầy cô và người lớn xung quanh.
 
3.3. Nhận diện học sinh bị bắt nạt trực tuyến, bạo lực học đường
Khi bị bắt nạt, trẻ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Trong nhiều trường hợp, trẻ chọn cách giấu người lớn vì lo sợ bị trả thù. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý hoặc hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chỉ ra người lớn có thể nắm được tình hình của con ở trường qua các dấu hiệu cụ thể.
+ Thường xuyên đau ốm
Có thể trẻ kiếm cớ trốn học, không tham gia hoạt động chung, cũng có thể việc bị bắt nạt khiến tâm sinh lý thay đổi và ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể.
Thầy cô và phụ huynh cần nghĩ đến những dấu hiệu như đau dạ dày hoặc đau đầu, nếu diễn ra thường xuyên thì có thể là vấn đề lớn. Tuy nhiên, trẻ bị ốm mà vẫn vui vẻ vui chơi, trò chuyện với bạn thì điều đó không đáng lo ngại.
+ Thay đổi hành vi
Vì lo lắng phải tỉnh dậy và đi học vào sáng hôm sau, trẻ khó ngủ, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm hoặc gặp ác mộng. Tâm trí không thoải mái cũng khiến trẻ làm mọi thứ không được suôn sẻ.
+ Điểm số xuống dốc
Nếu trẻ thường có kết quả học tập tốt nhưng điểm số đang dần đi xuống trong thời gian gần đây, đó có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Trẻ bất an khi ở trường thường gặp khó khăn trong việc tập trung nghe giảng hoặc làm bài tập về nhà.
+ Nghỉ chơi với bạn bè
Trẻ con thường xuyên thay đổi bạn theo từng giai đoạn, tuy nhiên nếu trẻ không có bất cứ người bạn nào, đây là dấu hiệu xấu. Khi trẻ nói "Không ai thích con cả", thì không nên coi nhẹ. Những kẻ bắt nạt thường muốn cô lập nạn nhân.
+ Không hứng thú với những thứ từng rất thích
Nếu trẻ mất cảm giác với trò chơi hoặc thú vui từng rất thích, trong những giờ ra chơi trẻ ngồi lỳ trong lớp, né tránh bạn bè có nghĩa trẻ có nhiều nỗi buồn sâu kín bên trong. Điều này có thể xuất phát từ việc bị bắt nạt hoặc rất nhiều nguyên nhân khác.
+ Thường xuyên mất đồ
Ngoài dấu hiệu dễ nhận ra như các vết xước hay thâm tím trên cơ thể, trẻ có thể bị bắt nạt theo cách đe dọa trấn đồ. Nếu thấy trẻ thường xuyên mất đồ chơi, dụng cụ học tập, quần áo, tiền, điện thoại, người lớn nên tìm hiểu nguyên nhân. Khi bị bắt nạt liên tục, trẻ thường nói dối làm mất đồ hoặc không bịa ra được nguyên nhân hợp lý.
+ Sợ đi xe buýt của trường
Với những đứa trẻ thích bắt nạt bạn học, xe buýt của trường là địa điểm hoàn hảo. Giám sát nhiều đứa trẻ cùng lúc là việc khó khăn, nhất là khi người lớn duy nhất trên xe lại là tài xế. Hơn nữa, một đứa trẻ bị bắt nạt trên chiếc xe buýt đang chạy sẽ không có cách tẩu thoát để bảo vệ bản thân.
Dấu hiệu đáng lo ngại là trẻ tỏ ra sợ hãi khi phải lên xe buýt, cố tình nhỡ chuyến hay tìm lý do để đi phương tiện khác. Trẻ cũng có thể nói bóng gió về "một người bạn"bị bắt nạt trên xe buýt. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ dễ né tránh các tình huống tương tự như đi ôtô đông người.
+ Nhịn đi vệ sinh đến khi về nhà
Trẻ bị bắt nạt ít khi diễn ra ngay trên sân trường mà ở những nơi kín đáo, không có người lớn giám sát như cổng sau, góc khuất chân cầu thang, hành lang, đặc biệt là nhà vệ sinh. Trừ trường hợp đặc biệt, không học sinh nào muốn nhịn giải quyết nhu cầu ở trường.
+ Tự ti
Bị bắt nạt ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của mỗi người, hoặc sự tự ti cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào "tầm ngắm"của những kẻ bắt nạt ngay từ đầu. Một khi trẻ trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường, trẻ bắt đầu nghĩ “có lẽ mình làm sai”, “có lẽ mình chưa đủ tốt”.
+ Bắt nạt trẻ nhỏ hơn
Đối với một số trẻ, khi không thể phản kháng kẻ bắt nạt mình, chúng tìm cách giải tỏa bằng cách bắt nạt những đứa trẻ khác yếu hơn hoặc trẻ ở lớp dưới.
  1. Giáo viên với công tác hỗ trợ tâm lý học sinh trong quá trình học tập trực tuyến do dịch bệnh (Xem tiếp số sau)


Tác giả bài viết: PGS.TS. Phạm Mạnh Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên