Đăng nhập

Liên kết website

SỐ 10 HƯỚNG DẪN KỸ NĂNG TƯ VẤN HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ SAU KHI QUAY LẠI TRƯỜNG HỌC

Số 10.
HƯỚNG DẪN KỸ NĂNG TƯ VẤN HỖ TRỢ TÂM LÝ
CHO HỌC SINH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ SAU KHI
QUAY LẠI TRƯỜNG HỌC
                                                 PGS.TS. Trần Thành Nam
4.4.6.Kỹ thuật thư giãn.
  1. Mục đích
Thư giãn là cách thay đổi vòng tròn lo âu/mệt mỏi bằng cách giúp trẻ lấy lại được cảm xúc bình an trong cơ thể. Nếu trẻ thực hành thư giãn trong nhóm và ở nhà thì sẽ giúp ích cho trẻ trong khi có những gợi nhớ về sang chấn và ngay cả những tình huống gây lo âu kháctrong cuộc sống. Thư giãn cơ thể là cách “nói vào não bộ mình” rằng không có nguy hiểm hay không lý do gì mà phải lo âu.
  1. Cách thức tiến hành
- Gợi ra những ví dụ từ nhóm về việc nhạy cảm, tăng cảm xúc khi có các sự kiện xảy ra, ví dụ chúng ta thường giật mình khi cánh cửa ra vào đóng sầm mạnh, và sau đó chúng ta rất cảnh giác với những âm thanh liên quan đến cửa.
- Hướng dẫn trẻ suy nghĩ về cơ thể của mình, những phản ứng cơ thể khi trẻ cảm thấy sợ hãi. Liệt kê các biểu hiện từ phát biểu của nhóm:
+ Nhịp tim tăng
+ Tim đập nhanh
+ Thở nhanh
+ Thở nông
+ Đau ngực
+ Cảm giác nôn nao, mệt
+ Hết hơi
+ Cảm giác run rẩy hồi hập
+ Chân hoặc đầu gối bủn rủn
+ Tay run
+ Bàn tay hoặc bàn chân rân ran
+ Vã mồ hôi
+ Cơ thể cảm giác mất kiểm soát
Có rất nhiều biện pháp thư giãn. Ví dụ như thư giãn căng trùng cơ, thư giãn hít thở sâu, thư giãn bãi biển tưởng tượng. Từng kỹ thuật đều dựa trên các bằng chứng khoa học ví dụ như thư giãn căng trùng cơ giúp trẻ (a) hiểu được mối quan hệ giữa lo lắng, căng cơ, lo lắng; (b) luyện tập kĩ thuật căng cơ- trùng cơ, giúp thư giãn các cơ, chấm dứt vòng tròn lo lăng-căng cơ-lo lắng. Hay thư giãn hít thở sâu giúp trẻ (a) hiểu được mối quan hệ giữa lo lắng, thở gấp, lo lắng; (b) luyện tập kĩ thuật hít thở sâu, chấm dứt vòng tròn lo lăng-thở gấp-lo lắng. Giáo viên có thể lựa chọn một trong những cách thức thư giãn phù hợp với từng học sinh theo độ tuổi và đặc điểm văn hóa vùng miền
  1. Một số kỹ thuật thư giãn
a/ Kỹ thuật thư giãn: Hít thở sâu, giảm lo âu
Mục đích
Đây là một kỹ thuật, một phương pháp thở đặc biệt giúp em trở lại trạng thái bình tĩnh nhanh hơn khi em lo lắng hoặc sợ hãi.
Cách thức thực hiện
Giáo viên có thể giới thiệu như sau: “Nếu điều khiến em lo lắng sợ hãi là có cơ sở thì, tất nhiên trước hết em hãy tìm một nơi an toàn để thực hiện phương pháp này. Phương pháp này cũng có thể sử dụng giúp em bình tĩnh hơn khi em giận dữ tới mức muốn đánh ai đó hoặc nói một điều gì khiến em sẽ hối tiếc về sau. Đầu tiên tôi sẽ chỉ cho em cách làm trước khi em thực hành. Tôi muốn em hít vào một hơi thật sâu qua mũi, miệng ngậm lại như thế này (hít vào một hơi thật mạnh qua mũi để trẻ có thể nghe thấy). Em có thể nhẩm đếm đến 5 khi hít vào. Sau đó em nín thở trong vài giây, có thể nhẩm đến đến 5, rồi từ từ thở ra bằng miệng như thế này (thị phạm trực tiếp cho trẻ). Sau đó em lại nín thở vài giây mà không tiếp tục thở ra, thông thường là nhẩm đếm đến 5 sau đó lặp lại chu trình (thị phạm cho trẻ cả quy trình một lần nữa). Lưu ý rằng tôi đưa tất cả không khí hít vào xuống đan điền (bụng dưới). Em nên hít thở theo cách này 4 đến 5 lần sau đó em sẽ nhận ra mình đã bình tĩnh hơn.
Chúng tôi gọi phương pháp thở này là phương pháp thở hình vuông. Có một vài biến thể, khi thở em có thể tưởng tượng mình đang vẽ hình vuông.Bây giờ đến lượt các em sẽ thực hành nhé. Sẵn sàng chưa? Thường sẽ dế hơn nếu em làm bài tập này trong lúc nhắm mắt nhưng nếu em không muốn nhắm mắt cũng không sao, nhưng hãy để ánh mắt của mình nhìn vào 1 điểm cố định nhé”
b/ Kỹ thuật thư giãn: Căng trùng cơ
 Mục đích
Đây là một phương pháp vừa giúp chúng ta giảm lo âu và có thể giúp ngủ tốt hơn. Thường thì khi cơ bắp không được thả lỏng, các em sẽ cảm thấy căng thẳng, các cơ căng trong một thời gian có thể dẫn đến cảm giác đau mỏi như em sẽ bị đau vai, đau cổ, mỏi lưung. Khi chúng ta thư giãn các nhóm cơ này, ta sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Khi thực hiện thư giãn căng trùng cơ, tốt nhất là
làm trong tư thế nằm hoặc đôi lúc cũng có thể thự hiện khi ngồi. Sau đó, các em hay để cằm của mình hơi chạm vào ngực để đầu được nghỉ ngơi.
Cách thức tiến hành
- Giáo viên chia sẻ:
“Đầu tiên, tôi muốn các em quan sát tôi và lặp lại những gì tôi làm. Chúng ta sẽ tập trung vào các cơ trên cơ thể theo thứ tự, căng cứng nó rồi thả lỏng và thư giãn. Được rồi. Tôi sẽ lần lượt nói về các nhóm cơ khác nhau. Nhưng trước hết em hãy ngồi/ nằm một cách thật thoải mái đi đã. Tốt. Hãy hít thở thật nhẹ nhàng. Chúng ta bắt đầu tập trung chú ý vào cánh tay và bàn tay. Nắm chặt hai tay thành hai nắm đấm. Nắm chặt tới mức có thể. Cảm nhận chúng căng cứng như thế nào. Cảm nhận thấy sự căng cứng ở cả cánh tay và bàn tay. Giữ nguyên sự căng cứng này (sự căng cứng nên giữ trong khoảng từ 4-5 giây - các em có thể đếm nhẩm đến 5 với tốc độ 1 giây 1 số). Được rồi. Bây giờ từ từ thả lỏng bàn tay để các cơ ở bàn tay thư giãn. Rất tốt. Bây giờ đến hai bắp tay (chỉ vào các bắp tay).
Bây giờ hãy giữ tay của bạn như thế này (tay để xuôi hai bên cơ thể, lòng bàn tay ngửa lên, cánh tay cong ở khuỷu tay, như khi nâng vật nặng). Làm nhóm cơ bắp tay thật căng. Cảm thấy bắp tay rất căng. Cảm nhận sự căng cứng rất dữ. Đếm đến 5. Rồi từ từ thư giãn và thả lỏng. Rất tốt. Giờ đến bắp tay sau. Giữ cánh tay thẳng trước mặt. Làm chúng căng cứng. Giữ chúng như vậy (đếm 1-5). Cảm nhận sự căng cứng  rồi thư giãn. Rất tốt.
Tiếp theo là nhóm cơ cổ và vai. Nâng vai lên đến khi chạm tai như thế này. Cảm nhận sự căng cứng xung quanh vai và cổ. Giữ nguyên và cảm nhận mức độ căng cứng (với phần này yêu cầu trẻ ngồi dậy nếu đang nằm). Xoay đầu theo chiều kim đồng hồ sau đó xoay ngược lại. Thả vai xuống và cho cơ cổ nghỉ ngơi bằng cách để cho cằm bạn chạm vào ngực. Rất tốt. Giờ nâng cằm lên một lần nữa.
Tiếp theo là cơ bụng. Để cho cơ bụng căng cứng. Giữ nguyên sự căng cứng. Đếm đến 5. Cảm nhận. Rồi thư giãn.
Chuyển sang cơ chân (trẻ phải ngồi khi thư giãn cơ chân). Duỗi thẳng chân ra để đầu gối không bị cong và căng hết mức có thể. Giữ một lúc. Đếm đến 5. Cảm nhận sự căng cứng. Rồi thư giãn. Tốt.
Cuối cùng là bàn chân. Kéo căng cơ bàn chân và để cho gót chân cách xa bạn nhiều nhất có thể, bàn chân làm thành mũi tên. Kéo dài chân đến mức có thể. Cảm nhận sự căng cứng ở bàn chân và ở chỗ ngồi (cơ mông). Giữ sự căng cứng. Rồi thư giãn. Em đã làm rất tốt”
- Tiếp tục với các nhóm cơ một lần nữa nhưng lần này bạn gợi ý rằng cháu cảm thấy thư giãn, bình tĩnh và ấm áp. Luôn tập trung vào sự khác biệt giữa căng cứng và thư giãn, vì qua đó, chúng ta học được cách thư giãn ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào. Đôi lúc, khi chúng ta thư giãn, chúng ta có thể cảm thấy run rẩy hoặc ngứa ngáy trong cơ bắp, một số khác cảm thấy dễ chịu hoặc ấm áp. Một số người cảm thấy cơ thể như nặng dần, những người khác cảm thấy nhẹ nhõm. Đó là những cảm giác bình thường, không cần lo lắng mà hãy chú ý đến những cảm giác đó. Hãy theo dõi nó và duy trì hơi thở chậm, đều, êm và sâu.
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/e0DEvE1_PnA
c/ Kỹ thuật thư giãn: Bãi biển tưởng tượng
Mục đích
Kỹ thuật này giúp học sinh cảm thấy thư giãn
Cách thức tiến hành
Giáo viên chia sẻ:
“Bây giờ tôi muốn em ngồi thật thoải mái. Để cằm thư giãn hướng xuống ngực. Đừng khoanh tay hay bắt chéo chân. Nhắm mắt hoặc chỉ nhìn vào một điểm trước mắt. Hít vào thật sâu qua mũi, nín thở vài giây (đếm đến 5 với tốc độ 1 giây 1 số) trước khi nhẹ nhàng thở ra đằng miệng. Khi em thở ra em nói “bình an” hoặc một từ nào khác em muốn nói với mình. Sau khi thở ra, em nín thớ vài giây và sau đó lặp lại chu trình. Hít vào thật sâu qua mũi, cảm thấy em có thể lấp đầy không khí vào ngực và bụng, nín thở... thở ra nhẹ nhàng qua miệng và nói “bình an” trong đầu, đợi một vài giây (đếm nhẩm đến 5) rồi bắt đầu lại quy trình. Làm lại chu trình này 4-5 lần. Sau đó thở bình thường trở lại và chú ý đến những gì xảy ra trong cơ thể. Cảm thấy em rất thư giãn. Cảm nhận sự thư giãn lan tỏa toàn bộ cơ thể. Có thể em sẽ cảm thấy một phần cơ thể ấm lên, giống như đang trôi trên một đám mây bông xốp vậy. Một số bạn khác cảm thấy nặng hơn như thể đang chìm xuống. Dù có cảm giác gì, hãy chú ý tới nó. Tiếp tục thở bình thường
và cảm thấy em có thể thư giãn tốt hơn. Dành vài phút để cảm nhận sự thư giãn này thoải mái như thế nào. Nếu em không đạt được trạng thái thư giãn lần này, em sẽ đạt được lần sau. Chỉ cần lắng nghe giọng tôi và chú ý đến lời tôi nói.
Hãy tưởng tượng rằng em đang ở gần một bãi biển xinh đẹp. Đó là một ngày hè đẹp trời, ấm áp. Có một cầu thang 20 bậc dẫn xuống bãi biển và em đang ở đầu cầu thang chuẩn bị đi xuống. Nhưng trước hết hãy cảm nhận sự thoải mái khi đứng nhìn ra bãi biển trong một ngày đẹp trời như thế này. Cảm thấy gió đang mơn man quanh cơ thể, không quá mạnh, chỉ tạo cảm giác sảng khoái.Cảm nhận mùi của biển và nghe tiếng những con chim bay trên không. Nhìn thấy ánh mặt trời phản chiếu trên mặt nước. Tưởng tượng bản thân mình hoàn toàn ở đó và cảm nhận không khí nơi đây đang làm cho cơ thể mình thư giãn. Giờ hãy tưởng tượng em đang bước xuống 20 bậc thang để đến bãi biển. Xuống từng bước thang, em cảm thấy mình bình tĩnh và thư giãn hơn. Bước xuống bậc 19 hãy tự nhủ mình bình an và thư giãn, bình an và thư giãn và với mỗi bước xuống thang, cảm giác bình an và thư giãn tăng lại lên. Không có gì đáng phải lo lắng, không gì em cần phải bận tâm. Tiếp tục bước xuống bậc 18. Không có gì em cần phải lo lắng, em đang bình an và thư giãn. Bước 17...16...15, bình an và thư giãn. Thứ duy nhất em cần nghĩ lúc này là cảm giác bình an và thư giãn toàn bộ cơ thể. Bước 14 .13 .     12. Vời từng bước xuống thang, em càng trở nên bình an và thư giãn hơntrước. Bước 11. 10, em đã ở giữa cầu thang rồi, không có gì làm em cảm thấy lo lắng cả, không có gì khiến em phải bận tâm cả. Bước 9. 8. 7, bình an và thư giãn, bình an và thư giãn. Bước 6 .5.        4. Em đang ở cuối cầu thang và sẽ sớm bước lên trên cát. Em rồi có thể cảm thấy bình an và thư giãn hơn những cảm giác em đã có trong một thời gian dài, và em chỉ chú ý đến những cảm giác tích cực. Bước 3. 2 . 1, và giờ em bước trên cát. Bây giờ em đã xuống hết thang và cảm thấy những cảm xúc tích cực đang lan tỏa trong từng bộ phận cơ thể. Chẳng điều gì khiến em bận tâm và lo lắng cả. Khi em cảm nhận được những cảm xúc tích cực này, em sẽ đi tới một nơi trong tưởng tượng, nơi mà em luôn cảm thấy thoải mái. Đó là nơi em cảm thấy yên tĩnh, an toàn và hòa hợp với môi trường xung quanh. Em cũng có thể chọn nơi an toàn là những gì chúng ta đã nói trước đây, em có thể tưởng tượng mình đang ở gần biển hoặc bên hồ trên núi hoặc trước một khu rừng hoặc bất kỳ đâu em cảm thấy thoải mái và thư giãn. Điều quan trọng nhất là em ở nơi mà em có thể cảm thấy sự bình tĩnh, an toàn và thư giãn, một nơi mà em có thể đi vào bằng trí tưởng tượng khi cần. Đi tới nơi đó và ở lại khoàng 1 phút. Khi tới đó, chú ý cách em có thể thư giãn tốt hơn nữa. (để trẻ tưởng tượng trong vòng 1 phút)
Chỉ cần giữ được trạng thái thư giãn và bình tĩnh và nhớ rằng bất cứ khi nào em cần thư giãn em chỉ cần hít thở 4-5 lần như em vừa làm và sau đó đi xuống cầu thang. Bằng việc sử dụng “hình ảnh” em có thể kiểm soát cơ thể mình và giúp cơ thể thư giãn. Bây giờ cháy có thể hình dung ra cầu thang một lần nữa. Giờ đây em đang đứng ở cuối thang, nhìn lên trên và chuẩn bị đi lên. Những cảm giác thư giãn tích cực em có thể mang cùng lên đỉnh thang và khi em đi lên em luôn tỉnh táo và cảm nhận rõ ràng mặc dầu em có thể vươn vai khi lên. Bước lên bậc 1, rồi sau đó là bậc 2, 3 và 4.
Dần dần, em trở lại gian phòng này một lần nữa, 5, 6, 7, 8, 9. Hãy nhớ rằng em đang mang các cảm xúc tích cực theo cùng, 10, 11, 12, 13... có thể em cảm thấy cần vươn vai - hãy vươn vai một cái. Nào tiếp bước bậc 14, 15, 16, 17. Em đang đến gần đầu thang và cảm thấy mình tỉnh táo, tràn đầy năng lượng, 18, 19, 20. Em đã lên hết các bậc thang. Bây giờ em có thể mở mắt (nếu trẻ nhắm mắt). Hãy dành thời gian vươn vai và cảm nhận về những cảm giác tích cực. Em cảm thấy thế nào?”
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/0NH81zsWj8U
4.4.7. Kỹ thuật biên tập giấc mơ, đương đầu với ác mộng.
  1. Mục đích
Kỹ thuật này thường áp dụng với những học sinh đã trải qua những sang chấn tâm lý mạnh, những sự kiện gây sợ hãi có thể xuất hiện lại trong ký ức của các em trong lúc ngủ. Sử dụng kỹ thuật này cũng giúp các em kiểm soát ác mộng và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Có rất nhiều trẻ gặp ác mộng và tỉnh dậy giữa đêm với cảm giác sợ hãi và toát mồ hôi. Mặc dầu những điều xảy ra trong giấc mơ không xảy ra trong cuộc sống thực, em vẫn cảm thấy sợ hãi và không ngủ lại. Nếu em đi ngủ muộn để không có ác mộng, em sẽ thiếu ngủ và trở nên mệt mỏi ban ngày, rồi trở nên rất dễ cáu. Vì vậy, quan trọng là cần luyện tập một phương pháp nào đó giúp em ít
có ác mộng hơn. Phương pháp em sẽ học ngay sau đây cũng cần phải được thực hành để có hiệu quả và nó có thể không có hiệu quả ngay.
  1. Cách thức tiến hành
Giáo viên chia sẻ:
Bây giờ tôi sẽ giải thích cho em biết cần làm gì. Em có biết đạo diễn phim là ai không? Không à? Đó là boss của cả đoàn phim. Bây giờ em sẽ là đạo diễn phim và sáng tạo ra bộ phim để thay thế cho bộ phim vẫn thường chiếu trong đầu em hàng đêm. Đầu tiên em phải sáng tạo và chiếu nó nhiều lần trong đầu khi em thức, để những cảnh phim sẽ tới vào ban đêm. Đầu tiên em có thể thực hiện việc tạo ra một giấc mơ đẹp - nhắm mắt lại và tưởng tượng thứ gì đó tốt đẹp đã xảy ra với em. Có thể là em đang ở trong rạp chiếu phim và đang xem một bộ phim hay, em ngồi trong phòng chiếu và nhìn lên màn hình đang chiếu thứ gì đó ví dụ như phim hoạt hình. Hãy làm cho nó thật hài hước vào. Thực hành vài lần và xem em quyết định những gì chiếu trên màn hình như thế nào. Nếu em gặp khó khăn trong việc làm ra bộ phim của riêng mình, em có thể chiếu những đoạn phim mà em đã xem ở rạp, trên TV hoặc trên đĩa DVD.
Bây giờ em đã sẵn sàng cho nhiệm vụ đạo diễn lớn hơn - em sẽ thay đổi cơ ác mộng của em. Nếu em có vài cơn ác mộng thì có thể thực hành trên 1 cơn ác mộng không đáng sợ lắm trước khi em đến với những cơn ác mộng đáng sợ hơn. Em phải sáng tạo ra một giấc mơ mới có rất nhiều tình tiết giống với giấc mơ khó chịu kia ví dụ như có cùng cách bắt đầu. Nhưng mặc dầu có chung tình tiết, em nên thay đổi nó theo cách em muốn như tạo ra một kết cục mới, đưa tới người giúp em cảm thấy an toàn hoặc một người trợ giúp như siêu nhân hoặc thay đổi theo những cách khác trong đầu em. Sau khi làm như vậy, em sẽ thực hành phiên bản mới để nó được “mã hóa” vào trong đầu em. Sau đó phiên bản này sẽ được lựa chọn bật lên trong đêm.
Khi em áp dụng những kết cục mới thay cho giấc mơ xấu, em đã sẵn sàng để đương đầu với cơn ác mộng tồi tệ nhất. Ở đó em sẽ làm điều tương tự. Đưa nó vào phòng đạo diễn và chỉnh sửa lại phần mở đầu của ác mộng như cách em muốn. Em có thể muốn tạo ra một cái kết tốt đẹp hoặc thay đổi gì đó ở phần giữa hoặc đưa đến một người mà em yêu quý và cảm thấy an toàn khi ở bên. Khi em đã có phiên bản mới. Tôi muốn em viết xuống thật chi tiết để em có thể nhớ về nó. Sau
đó bắt đầu tập luyện trên phiên bản giấc mơ mới. Thường thì em nên làm vào buổi chiều muộn. Em có thể tưởng tượng giấc mơ mới và ôn lại nó vài lần cho đến khi em thuộc nó kỹ càng. Ngay trước khi đi ngủ, em tự nhủ với bản thân: “Bây giờ, các phần não điều khiển giấc mơ của tôi sẽ đảm bảo rằng giấc mơ mới sẽ được chuẩn bị chiếu”.
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/KeLyjmsIjz4
4.4.8.Giải mẫn cảm với lo lắng qua viết
4.4.8.1. Mục đích
Trẻ em tuổi vị thành niên có thể sử dụng phương pháp viết để thể hiện, tổ chức hoặc, xử lý những trải nghiệm chấn thương và cảm xúc lo lắng cao độ. Phương pháp viết đặc biệt thích hợp khi trẻ rất khó khăn trong việc thể hiện ra hoặc nói ra cho người khác biết điều gì đã xảy ra và những trải nghiệm sang chấn tâm lý nặng nề của cá nhân.
Giáo viên có thể hướng dẫn thành 6 nhiệm vụ, trẻ viết là một cách phản ánh và tạo sự gắn kết trong trải nghiệm của trẻ. Hãy để trẻ viết trong khoảng từ 15 - 20 phút chứ đừng quá dài. Mỗi buổi trao đổi hãy giao 1 nhiệm vụ viết.
4.4.8.2.Cách thức tiến hành
- Hướng dẫn nhiệm vụ viết đầu tiên:
“Chúng tôi muốn em trong 15 phút viết những cảm xúc sâu kín nhất và những suy nghĩ nội tâm của em về những gì đã xảy ra. Viết về sự kiện đã ảnh hưởng đến cuộc sống của em như thế nào. Em có thể mô tả điều gì đã xảy ra, em cảm thấy thế nào và mọi thứ em nhớ về sự kiện đã xảy ra cũng như sau đó em cảm thấy thế nào. Điều rất quan trọng là việc em dám viết ra những thứ em không thể nói với người khác. Em có thể kết nói phần viết với những phần khác trong cuộc đời nếu muốn.
Chẳng hạn, em có thể mô tả cách mà sự kiện ảnh hưởng đến thời thơ ấu của em, về mối quan hệ với cha mẹ hoặc những người xung quanh. Em cũng có thể viết về việc sự kiện đã thay đổi cuộc sống và cách nhìn về tương lai ra sao. Em thậm chí có thể viết về cách sự kiện xảy ra có liên quan đến giấc mơ của em hay những suy nghĩ đang làm phiền em.
Chúng tôi biết có thể khó khăn cho em khi viết theo cách này nhưng chúng tôi cũng biết rằng viết ra sẽ giúp em tổ chức lại suy nghĩ và chuyển thể nó từ trong đầu ra trang giấy. Lần đầu tiên em viết bao giờ cũng là khó nhất. Một số bạn còn cảm thấy lo lắng sau khi viết một chút giống như cảm giác sau khi xem một bộ phim buồn hoặc phim kinh dị vậy. Nếu có cảm thấy như vậy cũng hoàn toàn là bình thường.
- Hướng dẫn nhiệm vụ viết thứ hai:
Trong nhiệm vụ viết đầu tiên, em đã được yêu cầu đắm mình trong suy nghĩ và cảm nhận về sự kiện. Lần này, em cũng sẽ được yêu cầu viết về chủ đề tương tự. Giờ đây em đã hiểu việc phải viết mọi thứ ra và lần này tôi muốn em thực sự thả lỏng bản thân và viết tất cả mọi thứ em nhớ về sự kiện, ký ức, suy nghĩ và cảm nhận về nó. Em cũng có thể liên kết những thứ này với những điều quan trọng khác trong cuộc sống nếu muốn. Em có thể viết tương tự như lần trước hoặc viết phản ánh một khía cạnh khác của sự kiện - hoàn toàn tùy thuộc vào em. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ viết này, nếu có cảm thấy một chút khó chịu thì đấy cũng là điều bình thường.
- Hướng dẫn nhiệm vụ viết thứ ba:
Trong 15 phút đầu tiên, em đã viết những suy nghĩ, cảm xúc về những sự kiện làm phiền em nhiều nhất hoặc có thể viết về một điều gì khó khăn với em. Sau những sự kiện như em vừa trải qua, những bạn trẻ nói rằng có quá nhiều thứ gợi cho họ nhớ lại về sự kiện hoặc làm cho họ nghĩ họ chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra, mặc dầu trên thực tế họ chẳng thể làm gì để ngăn cản nó. Chúng tôi muốn em viết về những sự việc làm em nhớ về sự kiện. Cho dù em tự đổ lỗi cho bản thân mình về việc đã nghĩ, nói hay làm gì đó hoặc đã không nghĩ, không nói, không làm gì đó thì cũng nên viết về nó. Em cũng có thể chọn viết tiếp về những gì em đã viết lần trước, hoặc một khó khăn khác - hoặc những cảm xúc hoặc trải nghiệm khác mà em chưa có dịp nói về. Như nhiệm vụ viết lần trước, chúng tôi biết rằng viết theo cách này có thể khó khăn nhưng nếu viết, em có thể tổ chức lại các suy nghĩ và chuyển nó từ trong đầu ra các trang giấy. Thông thường, sau khi viết mọi người sẽ có cảm xúc khó chịu nhất thời.
- Hướng dẫn nhiệm vụ viết thứ tư:
Bây giờ chúng tôi sẽ yêu cầu em viết hơi khác đi một chút. Lần này chúng tôi muốn em viết câu chuyện về những gì đã xảy ra với em và em đã ước nó xảy ra với em trong thời gian này như thế nào. Một câu chuyện hay sẽ phải có mở đầu, thân bài và kết luận. Nếu em muốn em có thể viết câu chuyện này cho người em nghĩ cần chịu trách nhiệm cho những sự việc đã xảy ra và tưởng tượng rằng họ có thể đọc được suy nghĩ của em. Nếu em không muốn nghĩ như vậy, cũng không sau nhưng em vẫn cần viết về những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất của cháy và tổ chức lại nó trong câu chuyện.
Bây giờ em đã được “huấn luyện” việc viết rồi, chúng tôi muốn em thực sự viết tất cả ra, nhiều hơn cả những lần trước và viết mọi thứ em nhớ về sự kiện: ký ức, suy nghĩ và cảm xúc liên quan. Em cúng có thể kêt nối nó với những điều quan trọng trong cuộc sống. Nếu em muốn viết giống như lần trước hoặc muốn viết theo một cách khác đi - điều này hoàn toàn tùy thuộc vào em. Sau khi viết, em có thể cảm thấy khó chịu một chút, điều này là bình thường và nó sẽ qua nhanh thôi.
- Hướng dẫn nhiệm vụ viết thứ năm:
Những gì đã xảy ra có thể ảnh hưởng đến cách em nghĩ và cách em nói với người khác. Cho dù em trải qua đau đớn như thế nào, em cũng sẽ học được điều gì từ nó. Chúng tôi muốn em suy nghĩ về một người khác cũng trải qua tình huống tương tự như em. Khi em nghĩ về những điều giúp ích tốt nhất cho em, em sẽ nói gì với người bạn kìa? Em có thể nói em đang làm gì và em đã học được những gì để giúp bạn ấy.
Giống như khi chúng ta đã viết lần trước, viết kiểu này có thể khó khăn nhưng chúng ta cũng biết rằng nó giúp tổ chức lại suy nghĩ và chuyển những tư tưởng đó từ trong đầu bạn ra các trang giấy. Thông thường, em sẽ cảm thấy lo lắng một chút sau khi viết ra.
- Hướng dẫn nhiệm vụ viết thứ sáu:
Đây là nhiệm vụ viết cuối cùng. Bây giờ chúng tôi muốn em tham gia vào một thực nghiệm suy nghĩ. Hãy tưởng tượng 10 năm sau em nhìn lại sự kiện này. Em sẽ muốn nghĩ về nó nhưng thế nào? Điều em muốn nghĩ là 10 năm sau nhìn lại, thời điểm đó điều quan trọng nhất em học được là gì?
Cảm ơn em đã sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ viết. Hy vọng rằng em đã học được rằng nhiệm vụ viết quan trọng giúp tổ chức lại suy nghĩ và trải nghiệm và em có thể sử dụng nó sau này trong cuộc sống khi em đối diện với các tình huống khó khăn.
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/BgNSvayrqRQ
4.5. Tư vấn hỗ trợ cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh
Giáo viên cần xây dựng mối quan hệ với phụ huynh, thể hiện sự thấu cảm với những áp lực khó khăn của phụ huynh. Làm cho phụ huynh thấy việc con phải ở nhà khi trường học của chúng đang đóng cửa lại là cơ hội để bạn xây dựng mối quan hệ một cách tốt đẹp hơn với các con của mình. Cha mẹ cần tận dụng cơ hội để biến khoảng thời gian này thành một khoảng thời gian quý giá và tràn đầy niềm vui. Giúp con trẻ cảm thấy được yêu thương và có cảm giác an toàn, cũng như giúp cho con nhận thấy được rằng chúng thực sự rất quan trọng.
Giáo viên có thể hướng dẫn cha mẹ 6 điểm quan trọng như sau:
- Thứ nhất là, hãy dành thời gian riêng cho từng trẻ:
+ Bạn có thể chỉ cần dành 15 phút hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào bạn. Bạn cũng có thể sắp xếp khoảng thời gian đó cố định trong từng ngày để con trẻ có thể biết được và đón chờ.
+ Hãy hỏi trẻ về những điều con muốn làm. Việc cho trẻ tự lựa chọn sẽ giúp trẻ thêm tự tin về bản thân mình. Nếu con muốn làm những điều không an toàn trong phạm vi khoảng cách của trẻ thì đây là cơ hội để nói với trẻ về điều này.
+ Bạn có thể cùng con đọc sách hoặc xem lại những bức ảnh, cùng vẽ tranh với chì màu, cùng nhau làm việc nhà hoặc giúp con hoàn thành một nhiệm vụ được giao. Cha mẹ có thể thảo luận về những nội dung con thích ví dụ như một chương trình TV, các thần tượng, ngôi sao hay một bản nhạc con thích. Cùng con nấu nướng những món ăn yêu thích và cùng nhau tập thể dịch trên những điệu nhạc hoặc điệu nhảy đang thịnh hành trong xã hội.
- Thứ hai là, hãy luôn tạo ra các cảm xúc tích cực
+ Trong bối cảnh này, rất khó để luôn cảm thấy tích cực bởi đôi lúc bọn trẻ khiến bạn bực mình. Chúng ta thường mắng chúng rằng "Con không được làm
như thế!" Tuy nhiên trẻ thường sẽ làm theo những gì chúng ta chỉ dẫn thấu đáo và không ngừng khen ngợi khi con làm đúng.
+ Khi muốn con làm một điều gì đó, hãy nói cụ thể hành vi bạn mong muốn con làm thay vì phàn nàn. Ví dụ cha mẹ sẽ nói "Con hãy bỏ quần áo vào chậu nhé " (thay vì nói "Đừng có mà làm bừa bộn bẩn thỉu thế này!")
+ Hãy nhờ rằng mọi vấn đề có thể giải quyết bằng ngôn ngữ ấm áp. Quát tháo chỉ làm cho con trẻ và cả chính bạn theo áp lực và bực tức. Hãy thu hút sự chú ý của con bằng việc gọi tên con, tới gần, giao tiếp mắt và cất giọng bình tĩnh ấm áp khi trao đổi
+ Cha mẹ hãy bắt lấy những khoảnh khắc khi con làm được điều tốt và đúng đắn để khen ngợi. Có thể con sẽ không có phản hồi lại gì nhưng bạn sẽ thấy con tiếp tục làm những điều tốt tương tự. Việc khen ngợi như vậy sẽ gửi đến trẻ thông điệp là bạn vẫn đang quan tâm, để mắt đến trẻ mọi lúc.
+ Cha mẹ cũng nên thực tế trong thời gian này. Con của bạn có thể thực sự làm được những điều mà bạn yêu cầu hay không? Ví dụ sẽ là bất khả thi nếu bắt trẻ im lặng ở trong nhà suốt cả ngày, nhưng có thể giao nhiệm vụ trẻ giữ im lặng khoảng 15 phút trong khi bạn đang có một cuộc gọi điện thoại hoặc đang phải xử lý email gấp.
+ Cha mẹ cũng hãy giúp con có cảm giác được kết nối với thế giới bên ngoài. Trẻ ở độ tuổi tiểu học luôn có nhu cầu cao được giao tiếp với những người bạn của con. Hãy giúp con thực hiện điều đố thông qua mạng xã hội, các cuộc gọi hình ảnh một cách an toàn. Đây là điều mà cha mẹ có thể lên kế hoạch cùng con thực hiện
- Thứ ba là, hãy lên lịch trình cho con
+ Lịch trình công việc, học tập và sinh hoạt thường ngày của chúng ta đều bị tác động bởi đại dịch. Đây thực sự là một khó khăn đối với con trẻ và ngay cả với chính bạn. Thiết lập một lịch trình sinh hoạt mới có thể giải quyết được vấn đề này.
+ Cha mẹ hãy thiết lập một lịch trình linh hoạt nhưng nhất quán. Sắp xếp thời gian dành cho các hoạt động cố định thường ngày và cả thời gian rảnh cho
bạn và cho con bạn. Điều này giúp trẻ có cảm giác an toàn hơn, và qua đó hành xử đúng mực hơn.
+ Trẻ nhỏ cũng có thể góp sức vào việc thiết lập lịch trình sinh hoạt trong ngày, chẳng hạn như viết thời gian biểu cho việc học tập. Trẻ sẽ làm theo lịch trình đó một cách tốt hơn nếu như các con được cùng với cha mẹ lên kế hoạch.
+ Đừng quên sắp xếp lịch tập thể dục trong ngày - điều này giúp giảm bớt căng thẳng và tiêu hao năng năng lượng cho trẻ khi phải ở trong nhà.
+ Cha mẹ hãy dạy cho con trẻ về việc giữ khoảng cách an toàn. Nếu nơi bạn ở không bị yêu cầu hạn chế, nên cho trẻ đi ra bên ngoài nhà nhưng cần giữ khoảng cách an toàn theo các hướng dẫn.
+ Bạn có thể hướng dẫn con viết thư và vẽ tranh để cùng chia sẻ với mọi người. Treo nó ở trước cửa bên ngoài nhà bạn để mọi người cùng xem.
+ Bạn có thể trấn an con của mình bằng cách nói về việc bạn làm thế nào để đảm bảo an toàn, đồng thời lắng nghe những ý kiến của con và thực hiện chúng một cách nghiêm túc.
+ Hãy tạo hứng khởi và sự thú vị cho con trong việc rửa tay và vệ sinh thân thể. Tìm kiếm một bài hát dài 20 giây cho việc rửa tay. Nói rõ cho trẻ lý do phải rửa tay hằng ngày và nhớ khen ngợi trẻ khi trẻ thực hiện tốt điều này.
+ Tạo ra một trò chơi xem ai là người chiến thắng khi có số lần đưa tay lên mặt ít nhất (có thể giám sát đếm lẫn nhau trong ngày).
+ Hãy nhớ bạn chính là mẫu hình cho những hành vi của con.
+ Nếu bạn thực hành việc đảm bảo vệ sinh thân thể, giữ khoảng cách an toàn với người khác và đối xử với người ngoài một cách tử tế, đặc biệt là có lòng trắc ẩn với những người đang bị ốm hoặc dễ bị mắc bệnh, con trẻ sẽ học được điều tốt đó từ bạn.
+ Cuối cùng, Dành thời gian vào cuối ngày để cùng con đánh giá một ngày của nhau. Gợi nhớ lại cho trẻ về một điều tích cực và đầy thú vị mà con đã làm trong ngày.
Tự thưởng vì những gì mà bạn và con đã thực hiện tốt trong ngày. Hãy vinh danh con và chính bạn bằng việc gắn sao lên ảnh mỗi người!
- Điều thứ 4 là cách ứng phó với những hành vi không đúng đắn của trẻ
Tất cả mọi trẻ em đều có những lúc có hành xử không đúng đắn. Việc trẻ bị mệt, bị đói và lo sợ khi con đang học cách tự lập là một điều rất bình thường. Tất cả những điều đó có thể khiến chúng ta bực mình, nhất là khi chúng ta bị chôn chân trong nhà. Vì vậy, cha mẹ cần biết chuyển hướng hành vi của trẻ.
+ Nhận biết hành vi xấu sớm nhất có thể và hướng sự chú ý của con trẻ tới một hành vi tốt thay vì tập trung vào hành vi xấu
+ Ngăn chặn hành vi xấu trước khi nó bùng phát! Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu bứt rứt, bạn có thể hướng chúng tới những hoạt động thú vị và vui vẻ, ví dụ bạn nói với con rằng: "Lại đây con, chúng ta lên sân thượng xem mấy cây hoa hồng một chút nhỉ?"
+ Hãy trấn tĩnh lại một chút. Nếu bạn cảm thấy mình tức giận, như muốn quát to hoặc hét toáng lên? Hãy tự cho mình 10 giây để dừng lại. Hít vào thở ra chậm rãi 5 lần. Sau đó cố gắng trả lời bằng một thái độ bình tĩnh hơn. Nếu vẫn chưa thể bình tĩnh thì hãy tạm rời khỏi phòng. Hàng triệu cha mẹ thấy phương pháp này rất hiệu quả - thực sự hiệu quả.
+ Cha mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy những hệ quả với từng hành vi. Điều này sẽ làm trẻ có trách nhiệm hơn với những gì trẻ gây ra và tuân thủ kỷ luật hơn. Biện pháp này hiệu quả hơn nhiều so với quát mắng
+ Cha mẹ hãy cho trẻ quyền được lựa chọn tuân thủ chỉ dẫn trước khi đưa ra biện pháp kỷ luật bằng cách cảnh báo về hậu quả. Cố gắng giữ bình tĩnh khi đưa ra hình thức kỷ luật như một điều đáng tiếc vì trẻ đã lựa chọn nó nên đã mất đi một quyền lợi.
+ Hãy đảm bảo rằng bạn có thể thực hiện được biện pháp kỷ luật đã tuyên bố với trẻ. Ví dụ, nếu bạn biết rằng khó có thể tịch thu điện thoại của con trong vòng một tuần nhưng sẽ khả thi nếu làm việc này trong vòng một giờ hoặc một ngày (thì kiềm chế đừng nói tịch thu của cháu 1 tuần vì nó sẽ làm mất đi hiệu lực của những quyết định của bạn). Khi biện pháp kỷ luật đã hết, hãy cho trẻ cơ hội để làm một điều tốt nào đó, và nhớ khen ngợi con đậm đà về việc đó.
+ Bên cạnh đó, cha mẹ cũng đừng quên dành thời gian với trẻ, khen ngợi khi trẻ ngoan, và thiết lập lịch trình sinh hoạt cố định sẽ giúp trẻ bớt đi những
hành vi xấu. Giao cho trẻ những công việc đơn giản và đảm bảo phù hợp với khả năng của trẻ. Và nhớ khen ngợi khi các con bạn hoàn thành được việc đó.
- Thứ năm là, bạn hãy biết chăm sóc bản thân để hỗ trợ tốt hơn cho các con của mình.
Nếu bạn lo lắng thì hãy biết bạn không đơn độc. Hàng triệu người đều có nỗi lo lắng giống như chúng ta. Hãy tìm người mà bạn có thể nói chuyện và tâm sự về việc bạn đang cảm thấy như thế nào, và không quên lắng nghe họ. Hãy tránh xa mạng xã hội để không bị hoảng loạn trước vô vàn những thông tin tiêu cực và thậm chí không chính xác.
Hãy dành ra vài phút thư giãn và thực hiện hoạt động này bất cứ khi nào bạn có cảm giác bị căng thẳng hay lo âu đang đè nén.
Các bước thư giãn:
Bước 1: Tìm không gian phù hợp
- Tìm một chỗ phù hợp để có thể ngồi thoải mái, duỗi thẳng hai chân trên sàn nhà và tay đặt lên đùi một cách thư thái.
- Hãy nhắm mắt nếu bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Bước 2: Chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc và các dấu hiệu trên cơ thể của bạn
- Hãy tự hỏi: "Mình đang nghĩ về điều gì vậy nhỉ?" Nhận ra những dòng suy nghĩ trong đầu và xem những gì mình đang nghĩ là điều tích cực hay tiêu cực.
+ Nhận ra cảm xúc của mình đang diễn tiến ra sao và cảm nhận mình đang vui hay không.
+ Nhận biết những cảm giác trên cơ thể. Chú ý vùng bị đau hoặc bị căng cứng.
Bước 3: Tập trung vào hơi thở của bạn
• Lắng nghe nhịp thở mỗi khi bạn hít vào và thở ra.
• Bạn có thể đặt nhẹ tay lên bụng, và cảm nhận vùng bụng nâng lên và hạ xuống theo từng nhịp thở.
• Bạn có thể tự nhủ rằng "Không sao đâu. Dù mọi chuyện có thế nào đi chăng nữa thì mình vẫn ổn thôi mà".
• Rồi lại tiếp tục lắng nghe hơi thở của bạn thêm một chút nữa.
Bước 4: Quay trở lại
• Để ý tới cảm giác trên toàn cơ thể •Lắng nghe những tiếng động ở trong phòng
Bước 5: Cảm nhận
• Hãy tự hỏi "Mình có cảm thấy khác hơn chút nào hay không?
• Khi đã cảm thấy tốt hơn rồi, hãy mở mắt ra
Thực hành thư giãn cũng rất hữu ích trong trường hợp con bạn làm một điều gì đó sai trái khiến cho bạn phật lòng. Thư giãn lúc này giúp bạn có cơ hội để bình tĩnh hơn. Chỉ cần một vài nhịp thở sâu hoặc hướng sự chú ý đến những cảm nhận của lòng bàn chân của bạn trên sàn nhà đã có thể tạo nên sự khác biệt. Bạn cũng có thể cùng với con dành thời gian để cùng nhau thư giãn và chia sẻ không gian bên nhau.
- Và cuối cùng điều thứ 6 là hãy cùng trao đổi với con và cho các con thêm kiến thức về Covid
+ Sự im lặng và bí mật không giúp bạn bảo vệ con mình. Trung thực và cởi mở là điều nên làm. Cần tính đến việc con bạn có thể hiểu được đến đâu. Bạn là người hiểu rõ nhất về con mình.
+ Cha mẹ hãy mở lòng lắng nghe con trẻ. Cho phép con bày tỏ ý kiến của mình. Hãy trả lời một cách trung thực những thắc mắc của con trẻ. Tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn và khả năng hiểu của con để có cách trả lời phù hợp.
+ Con bạn có thể bị hoảng sợ hay bối rối khi nghe những thông tin về dịch bệnh. Hãy cho phép trẻ được bày tỏ cảm xúc của mình và để trẻ biết rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên con. Cũng không có gì là nghiêm trọng khi bạn nói rằng "Bố mẹ không biết, nhưng bố mẹ vẫn đang tìm hiểu về nó". Hãy nhân cơ hội này để cùng con hiểu biết thêm về những điều mới liên quan đến cuộc sống của con.
+ Hãy nói với con về rất nhiều câu chuyện về những người hùng đang phòng chống dịch. Cha mẹ hãy trở thành người hùng chứ không phải là kẻ dọa dẫm.
+ Cha mẹ hãy đảm bảo con kết thúc một ngày thật vui. Hãy kiểm tra xem con bạn có cảm thấy ổn hay không. Gợi nhắc trẻ rằng bạn quan tâm, yêu thương
con nên con có thể nói chuyện với cha mẹ bất cứ khi nào trẻ muốn. Rồi cùng nhau tạo không khí vui vẻ bằng những hoạt động thú vị cùng nhau ở nhà.
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/V8wzfHe5kuM
Giáo viên cũng có thể hướng dẫn phụ huynh tham khảo tài liệu hướng dẫn giúp trẻ giữ được sự tập trung khi học ở nhà https://youtu.be/_0enXh54WM8 hoặc đương đầu với mệt mỏi https://youtu.be/ZlrvKBWH_YQ .


Tác giả bài viết: PGS.TS. Trần Thành Nam
Nguồn tin: PGS.TS. Trần Thành Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên