Đăng nhập

Liên kết website

SỐ 8 : HƯỚNG DẪN KỸ NĂNG TƯ VẤN HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ SAU KHI QUAY LẠI TRƯỜNG HỌC

Số 8.
HƯỚNG DẪN KỸ NĂNG TƯ VẤN HỖ TRỢ TÂM LÝ
CHO HỌC SINH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ SAU KHI
QUAY LẠI TRƯỜNG HỌC
                                                      PGS.TS. Trần Thành Nam
  1. Nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần ở trẻ trong đại dịch
Theo một nghiên cứu của WHO công bố cuối năm 2020 thì trong suốt đại dịch Covid tỉ lệ tổn thương SKTT trong cộng đồng đã tăng lên so với bình thường gấp từ 5 đến 7 lần. Hiện trên toàn thế giới thống kê có khoảng 300 triệu người đáp ứng trầm cảm, 45 triệu người bị rối loạn lưỡng cực, 250 triệu người rối loạn nghiện chất, 20 triệu người bị rối loạn tâm thần phân liệt... Nhưng tất cả những con số này chỉ là bề nổi của tảng băng, do có rất nhiều người tổn thương SKTT nhưng không được ghi nhận, vì không có khả năng tiếp cận với bất kỳ dịch vụ chăm sóc SKTT nào. Và một bộ phận lớn trong số đó là trẻ em.
Một nghiên cứu khác tổng hợp số liệu từ 116 nghiên cứu trên toàn thế giới đã công bố trong quý 1 năm 2021 về ảnh hưởng của đại dịch Covid đến trẻ em trên tổng số mẫu 127.923 trẻ đều đi tới kết luận là trẻ em và thanh thiếu niên đang ở trong những giai đoạn phát triển quan trọng, thiếu khả năng ứng phó phù hợp khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực đến SKTT. Giai đoạn 15- 18 đáp ứng triệu chứng lo âu và trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nhiều trẻ có trải nghiệm sợ hãi cao độ về tác động của Covid đối với cuộc sống của các em.
Tất cả trẻ có các điều kiện thể chất mãn tính (lịch sử bệnh tâm thần, đến các bệnh mãn tính bẩm sinh, các dạng khuyết tật...) cũng chịu ảnh hưởng tồi tệ về SKTT từ đại dịch. Thời điểm lo lắng cao nhất là sau khoảng sau 6 tuần giãn cách. Đây là thời điểm xuất hiện những hành vi tự hại bản thân, ý tưởng tự sát và tự sát.
Trong những nỗi lo, sợ hãi bị lây nhiễm và phổ biến, trong đó sợ bị lây nhiễm cho bản thân nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh. Ở nhà gây ra gián đoạn học tập, tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục chất lượng ở các khu vực khác nhau. Thời gian ở nhà khiến trẻ tiếp cận quá nhiều với thông tin về Covid lại tăng mức độ trầm cảm. Những trẻ (3-6 tuổi) tiếp cận quá nhiều với thiết bị điện tử có các hành vi xung động thái quá; trẻ (6-12 tuổi) sử dụng quá nhiều thiết bị màn hình có SKTT và cảm xúc kém hơn, có thái độ kỳ thị với người bị Covid cao hơn.
Tăng thời gian ở nhà trong thời gian giãn cách, một số trẻ em phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường gia đình căng thẳng, bao gồm bạo lực gia đình, cha mẹ sử dụng chất, cha mẹ nghiện cờ bạc online giận cá chém thớt lên các em. Cùng với tỉ lệ căng thẳng tài chính ở các gia đình trong giai đoạn hiện nay tăng đến 70% so với trước đây 12 tháng (40%), phụ huynh giờ đã mất khả năng cầm cự, căng thẳng gia tăng, cha mẹ không còn đủ thời gian nghỉ ngơi và các nguy cơ tổn thương SKTT của chính bố mẹ cũng gia tăng.
Có nghiên cứu đã chỉ ra tỉ lệ cha mẹ căng thẳng và kiệt sức (chiếm tới 60%). Mà trước căng thẳng, chúng ta thường có 3 phản ứng (fight - đánh lại: tức giận, giận cá chém thớt, bạo hành con cái); (flight - trốn chạy - bỏ mặc con cái, lơ là các trách nhiệm); (freeze - đông cứng - lo lắng quá mức và phóng chiếu sự lo lắng lên con cái). Tất cả đều dẫn đến các nguy cơ bạo hành, bỏ mặc hoặc lơ là các trách nhiệm chăm sóc, đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho trẻ. Nghiên cứu của UNICEF cho thấy % TE báo cáo đã trải qua ít nhất 1 hình thức bạo lực gia đình với tỉ lệ cao hơn ở trẻ vùng nông thôn. Trong thời gian qua, thống kê các tìm kiếm trên Google tại một số quốc gia về trợ giúp vấn đề bạo lực gia đình tăng đến 75% so với thời gian bình thường.
Theo một số báo cáo chưa đầy đủ từ ngành LĐTBXH, tổng số trẻ F0 và F1 cho đến 10/9 lên đến hơn 40k và số trẻ F0 đang điều trị tại TpHCM là lớn nhất đến gần 3k trẻ. Nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ bị tử vong do COVID-19, nhiều trẻ không có cha, mẹ, người thân chăm sóc do cha, mẹ, người thân bị nhiễm COVID -19 phải đi điều trị, hoặc đi cách ly tập trung. Trong đợt dịch lần 4 này tại thành phố Hồ Chí Minh có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ...
Một số nghiên cứu về đặc điểm tâm lý của trẻ diện F1 sống trong khu cách ly. Những lo lắng về Covid có thể khiến trẻ có các biểu hiện giống như bị dương tính với Covid thật gồm các biểu hiện như sốt, khó thở, đau ngực, đau đầu, mệt mỏi và ớn lạnh khiến cho cá nhân càng hoang mang hơn, dẫn đến những hành vi mất kiểm soát.
Như vậy, có thể thấy tỉ lệ tổn thương SKTT và tâm lý của trẻ trong đại dịch là phổ biến, đặc biệt đối với một số nhóm là khẩn cấp. Tổn thương SKTT đã gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc (sự sợ hãi, lo lắng cao độ); làm thay đổi niềm tin về thế giới và những người xung quanh (mọi người đều nguy hiểm, tương lai vô vọng), thay đổi khả năng nhận thức (chú ý và ghi nhớ giảm dẫn đến học không vào), thay đổi về hành vi (trở nên thu mình, có ký ức xâm nhập, ác mộng hoặc hung hăng, xâm kích) khiến cá nhân không thể kiểm soát cảm xúc, trở nên khó khăn trong duy trì hoạt động chức năng hàng ngày và mối quan hệ với người thân. Do đó, nếu trì hoãn hỗ trợ và trị liệu tâm lý thích hợp đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc đời, thường làm trầm trọng
thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tổn thương SKTT trong tương lai, giảm khả năng phục hồi trở lại của các em sau đại dịch.
Câu hỏi thảo luận: Theo anh chị, tại sao nguy cơ tổn thương sức khoẻ tinh thần ở học sinh lại tăng cao trong đại dịch?
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/zyVBeVk7Iiw
  1. Những nguy cơ tổn thương SKTT của học sinh khi quay trở lại trường
Lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi trẻ nghỉ hè những năm trước. Cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em. Trở lại trường là trở lại với những nỗi lo (back to school = back to anxiety, back to stress). Các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác. Mặc dầu tôi tin là trong những ngày đầu tiên trở lại trường thì các em rất hào hứng.
Không chỉ đối diện với hơn một năm với quá nhiều bất định làm bào mòn sức khỏe tâm lý của các em. Đại dịch Covid cùng những chính sách giãn cách xã hội đã gây ra sự cô lập xã hội, mất việc làm, bất ổn kinh tế, tạo ra nỗi sợ hãi cao độ về nguy cơ bị lây nhiễm virus đã làm gia tăng những hành vi bạo lực trong các gia đình mà có thể học sinh là nạn nhân hoặc người chứng kiến.
Không những thế, việc bị mắc kẹt ở nhà giới hạn khỏi những hoạt động thường ngày khiến các em gắn chặt với các thiết bị công nghệ và hệ quả là tỉ lệ các em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng bao gồm cả các chất liệu bạo lực.
Việc thay đổi những thói quen, hạn chế hoạt động trong bình thường mới cũng khiến cho tăng cảm giác bất an dẫn đến phản ứng cáu kỉnh nóng giận với bạn bè. Tất cả lo lắng và hình mẫu bạo lực dồn nén lại có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính và bạo lực với những người khác khi trở lại trường. Trong bối cảnh bị giới hạn các hoạt động trong một thời gian dài, khi quay lại trẻ có thể có xu hướng nghịch ngợm, bất tuân, phá vỡ nội quy nhiều hơn. Các em sẽ nhạy cảm hơn với việc không được tôn trọng, có thể phản ứng mang tính bốc đồng, hung tính hơn.
Nhiều em trong thời gian giãn cách có thể trở nên lo lắng quá mức với việc bị nhiễm Covid hoặc kỳ thị những người nhiễm, có nguy cơ bị nhiễm Covid. Điều này cũng cần được lưu tâm để hỗ trợ các em.
Trong thời gian đầu trở lại trường, cũng cần lưu ý trẻ sẽ quên thói quen dậy sớm, quên thói quen đến lớp - việc chuẩn bị này của bố mẹ đơn giản: Bắt đầu phải giảm tải học online, tập lại thói quen giờ giấc ngay từ ngày mai: ăn, ngủ đúng theo lịch đến trường.
Vậy chúng ta cần làm gì?
Điều đầu tiên, liên quan đến việc mở cửa trường để các em học sinh được đi học trở lại, lãnh đạo các địa phương cân cân nhắc trên cơ sở khoa học về những lợi ích và nguy cơ về mặt giáo dục, y tế công cộng và kinh tế - xã hội trong bối cảnh địa phương trong đó đặt lợi ích tốt nhất của trẻ làm trung tâm để đưa ra những quyết định phù hợp và thấu cảm với niềm tin và suy nghĩ của cộng đồng, các bậc phụ huynh.
Nhà trường cần lập kế hoạch từ trước và xác định những biện pháp cần bổ sung nhằm đảm bảo an toàn học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên khi họ quay trở lại và để cộng đồng cảm thấy tính khả thi và an toàn với việc cho trẻ quay trở lại trường học. Sẽ cần có một số điều kiện như
Toàn bộ GV và nhân viên nhà trường phải được tiêm phòng
Sắp xếp xen kẽ giờ đến trường và tan học
Sắp xếp xen kẽ giờ ăn
Tổ chức lớp học trong các không gian tạm thời hoặc ngoài trời
Sắp xếp lịch học theo ca, giảm sĩ số lớp
Nước sạch và công trình vệ sinh sẽ góp phần quan trọng vào việc mở cửa lại trường học an toàn. Cán bộ quản lý cần phân tích những điểm cần cải thiện về biện pháp vệ sinh trong trường học, bao gồm thực hành rửa tay, thói quen khi gặp các vấn đề hô hấp (chẳng hạn, che miệng khi ho và hắt hơi bằng khuỷu tay), biện pháp giãn cách, quy trình vệ sinh cơ sở vật chất và thực hành chế biến thực phẩm an toàn. Cán bộ quản lý và giáo viên trong nhà trường cần được tập huấn về giãn cách an toàn và thực hành vệ sinh.
Và khi đã có một phương án khả thi để đưa học sinh trở lại trường. Những việc cần hỗ trợ tiếp theo cho các em là
Trước khi trở lại trường
Cha mẹ nên chuẩn bị cho con 1 thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường. Giúp con hiểu đúng và có cảm giác an toàn
+ Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn ngủ phù hợp với học kỳ
+ Trao đổi trước với con về việc quay trở lại trường, sẽ có điều gì xảy ra, con sẽ trông đợi điều gì
+ Dạy con các câu tự nhủ tích cực (Mọi chuyện sẽ ổn con nhé. Bắt đầu đi học lại giữa học kỳ cũng thú vị, không phải lo lắng gì đâu)
+ Tùy tuổi (nhỏ có thể nói cho con hình dung ngày quay lại trường, viết các câu chuyện về ngày quay lại trường sau dịch. Trẻ lớn hơn thì cho giao lưu, chia sẻ với bạn bè về kế hoạch quay lại trường, bên cạnh học còn chơi, hoạt động giao lưu với nhau vui thế nào)
+ Bố mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một sự lên dây cót tinh thần
Khi trở lại trường
+ Giáo viên tuần đầu tiên cần nới lỏng, để cho HS thích ứng lại với cuộc sống học tập ở trường. Đừng chăm chăm vào việc đuổi kịp chương trình, thậm chí chỉ dạy khối lượng kiến thức theo lịch trình thôi còn dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.
+ Lưu ý rằng SKTT của các em thời gian này quan trọng hơn là kiến thức và muốn cập nhật chương trình nhanh thì lúc đầu cứ phải từ từ. Lúc này cần tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho các em thích nghi lại với cuộc sống trường học, trao đổi về những lo âu khi quay trở lại trường học vào thời điểm bất thường và cách ứng phó
+ Giáo viên và Lãnh đạo nhà trường đảm bảo tuần đầu tiên quay trở lại trường phải cực kỳ an toàn, Mọi xích mích nhỏ phải được để tâm tới không nên để xảy ra những vụ việc bắt nạt, bạo lực là hệ quả của sự bí bức do cách ly lâu ngày.
+ Tuần đầu tiên tạo điều kiện để có nhiều không gian bạn bè cô trò nói chuyện với nhau, thông cảm và hiểu nhau về những áp lực trong thời gian cách ly.
+ Tuần đầu cũng cần làm rõ với trẻ các thông tin là kỳ học của các em sẽ diễn ra và kết thúc thế nào, việc công nhận lên lớp hoặc thi cử ra sao. Giải đáp mọi thắc mắc và bình thường hóa mọi lo lắng. Nói chung là giáo viên tạo mọi điều kiện để học sinh đặt câu hỏi
+ Nhà trường cần đẩy mạnh công tác Tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Giáo viên cần chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu HS đến tham gia các hoạt động hỗ trợ. Triển khai rất nhiều các hoạt động để tạo ra sense of belonging (cảm giác gắn bó và thân thuộc với nhà trường). Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bột phát
Bố mẹ đồng hành trong tuần đầu tiên con trở lại trường
Đặc biệt quan tâm chú ý con để nhận ra các dấu hiệu con stress hoặc lo lắng khi trở lại trường (Ví dụ trở nên quá bám mẹ, cáu gắt, có hành vi sai, vi phạm nội quy ở trường, trẻ con hơn, cáu kỉnh, khóc lóc hoặc không muốn đến trường)
Trong trường hợp đó hãy gửi những lời nhắn yêu thương đến con (VD với các bạn nhỏ là lời nhắn trong cặp, trong hộp bút khi con tới trường).
Dạy con những thông điệp tự nhủ tích cực là mình có thể vượt qua được, mọi việc sẽ ổn thôi, không phải chỉ riêng mình mình có những cảm xúc như thế
Giúp con cân bằng giữa hoạt động trí não, đừng vội tăng tốc cho việc học.
Giúp con bình tĩnh trong tuần đầu tiên. Rồi cảm giác lo lắng và mất kết nối sẽ đi xuống.
Hãy nói với con rằng cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp và thậm chí còn làm chúng ta lo sợ hơn. Hãy giúp con phân biệt được nguy cơ với sắc xuất xảy ra. Ví dụ như nguy cơ tai nạn giao thông lúc nào chẳng có. Nhưng nếu con thực hiện đúng các quy định về an toàn thì con sẽ giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Và vì vậy, cha mẹ hướng dẫn con cách để con tự bảo vệ mình an toàn khi trở lại trường trong bình thường mới.
  1. Một số dấu hiệu nhận biết nguy cơ tổn thương SKTT ở trẻ trong đại dịch
và khi quay lại trường học
  1. Những dấu hiệu thông thường
Trẻ em thường dễ bị tổn thương hơn trong đại dịch COVID-19. Nhiều em có thể trở nên quá sợ hãi và lo lắng khi đối mặt với một tình huống nghiêm trọng, từ đó gây nguy hiểm sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Nhiều đứa trẻ bị bỏ lại phía sau bởi những lo toan bận rộn của cha mẹ trong đại dịch. Ở nhà chống dịch, chúng bị ngắt ra khỏi những thói quen hàng ngày dẫn đến rối loạn lịch sinh học (ăn ngủ), trở nên kém hoạt động, mất phương hướng, và tâm trạng bất an. Trẻ cũng có thể xuất hiện nhiều nỗi lo lắng về tương lai và cả về những mâu thuẫn trong gia đình phóng chiếu từ nỗi lo trong mắt cha mẹ chúng. Có thể nói, chúng là những đối tượng tổn thương nặng nề nhất trong đại dịch. Và đáng lo hơn là bọn trẻ thường không có các kỹ năng đủ để nhận diện cảm xúc, bộc lộ cảm xúc ra một cách phù hợp và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực.
Chúng ta có thể nhận ra những thay đổi ở trẻ em
• Thường xuyên khóc hoặc thay đổi tâm trạng.
• Những hành vi thoái triển hoặc nhi hóa (ví dụ xuất hiện đái dầm lại).
• Quá lo lắng, buồn bã hoặc thất vọng.
• Đi ngủ muộn.
• Có những phàn nàn không xác định được chẳng hạn như đau đầu hoặc đau khắp cơ thể.
• Không muốn thực hiện các hoạt động mà trẻ từng yêu thích.
Có thể nói khi cảm xúc tiêu cực tràn đầy, chúng chỉ biết thể hiện bằng những cách như rút lui khỏi môi trường, thu mình lại trong một góc và nói “hãy để con yên” hay “con chỉ muốn ngủ thôi. Trẻ có thể đi ngủ quá muộn và thức dậy mệt mỏi. Chúng không còn muốn tham gia những hoạt động mà mình đã từng yêu thích nữa. Trẻ có thể có những hành vi nhi tính như trở nên mè nheo, đeo bám người khác quá mức. Trẻ trở nên tức giận và phàn nàn về mọi thứ ví dụ như đập rất mạnh cái điều khiển và nói “cái điều khiển ngu ngốc này”, hoặc ném mạnh cái bút “cứ sờ đến cái bút nào cũng không viết ra mực là sao”. Trẻ có thể từ chối, bất hợp tác “Con không làm bài, mẹ đi mà làm” hoặc hét lên “Sao chán thế, chẳng có gì vui cả”. Thể hiện qua hành vi giận cá chém thớt như “hét vào mặt đứa em” hay “đánh con mèo vì tội không chịu làm gì cả”. Có nhiều đứa trẻ còn trốn khỏi nhà và đẩy bản thân vào những tình huống nguy cơ.
  1. Với những trẻ ở trong vùng tâm dịch, trải qua những sang chấn mạnh như chứng kiến sự ra đi của người thân thì có thể có những biểu hiện nào?
Các em có thể trải nghiệm các phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và triệu chứng căng thẳng về cơ thể khi đối mặt với các tình huống thảm họa/khủng hoảng - khi họ phải đối mặt với cái chết, hoặc các thương tổn nghiêm trọng tới bản thân hay những người xung quanh. Việc có các phản ứng stress trong và sau khi diễn ra khủng hoảng là bình thường. Cách mỗi người phản ứng với sự kiện khủng hoảng như thế nào là khác nhau, tùy vào các đặc điểm của khủng hoảng, khả năng phục hồi của cá nhân, tuổi tác, tính cách, hệ thống hỗ trợ và các phương pháp ứng phó của cá nhân, thời gian sau khi diễn ra sự kiện và những trải nghiệm trong quá khứ Một số dấu hiệu thông thường của stress trong và sau thảm họa bao gồm:
  1. Các phản ứng về tâm lý
  • Những người bị tác động bởi stress nghiêm trọng thường trải nghiệm lo âu, sợ hãi, căng thẳng hoặc cơn hoảng sợ, đặc biệt khi đối mặt với những thứ gợi nhớ lại trải nghiệm. Họ sợ hãi về việc mất kiểm soát hoặc không có khả năng ứng phó, hay lo lắng rằng sự kiện có thể tái diễn. Họ có thể thường xuyên cẩn trọng, rà soát xung quanh để theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm hoặc nhìn thấy mối nguy ở những thứ trước đây là vô hại. Họ cũng có thể trở nên bảo vệ quá mức với những người thân, lo lắng với mọi bất thường dù nhỏ nhất (như khi người đó trễ hẹn chỉ một chút hoặc không gọi vào đúng giờ đã hẹn). Họ cũng dễ giật mình, căng thẳng vì những tiếng động hoặc các chuyển động bất chọi...
  • Nhiều người có những khó khăn về giấc ngủ và gặp những cơn ác mộng. Mới đầu các giấc mơ này có thể về chính sự kiện khủng hoảng, sau đó chúng có thể thay đổi hình dạng nhưng vẫn gây khó chịu và không an ổn. Các ký ức, suy nghĩ và hình ảnh ám ảnh về sự kiện có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào kể cả khi không có gì gợi nhớ hay kích hoạt. Những suy nghĩ, hình ảnh hoặc cảm xúc khác có thể được gợi lên chỉ bằng một mùi hương, tiếng động, bản nhạc hay chương trình TV nào đó. Người đó có thể tái trải nghiệm sự kiện như chúng đang diễn ra lần nữa, cảm nhận sự kiện sang chấn và nhận thức về cả những chi tiết như mùi, vị hay xúc giác.
  • Khó tập trung hay khó nhớ lại cũng là một phản ứng thường gặp.
- Cảm xúc buồn và tội lỗi cũng có thể xảy ra. Người ta có thể cảm thấy nuối tiếc, nhục nhã hoặc xấu hổ vì đã không hành động như họ đã mong muốn, hoặc vì đã làm người khác thất vọng, hoặc vì cảm giác trách nhiệm không thực hiện được. Một số có thể cảm thấy tức giận với những gì đã diễn ra. Những người bị ảnh hưởng thường tự hỏi “Vì sao là tôi?” Họ tức giận với những người họ thấy phải chịu trách nhiệm cho một phần những gì diễn ra trong hay sau thảm họa. Những người khác có thể cảm thấy tê liệt về cảm xúc và mất kết nối hoặc không thể cảm nhận các cảm xúc tức giận hay yêu thương. Thu mình, thất vọng, tránh giao tiếp với mọi người và nghĩ rằng không ai thực sự hiểu mình cũng là những phản ứng thường gặp.
- Các phản ứng tránh né cũng có thể xảy ra, như việc tránh né về tinh thần với các suy nghĩ và ký ức liên quan tới sự kiện. Về hành vi, họ cũng có thể tránh né các hoạt động và tình huống liên quan, như tránh ở gần nước hay tránh phải nhìn lại những thứ đã có tại thời điểm diễn ra sự kiện. Các kiểu tránh né này rất thường thấy ở những giai đoạn đầu ngay sau khi cá nhân trải qua sự kiện stress nghiêm trọng. Một mức độ tránh né nhất định, ví dụ như không muốn nói về trải nghiệm trong những giai đoạn đầu tiên của phục hồi, thực chất có thể giúp một người ứng phó được. Tuy nhiên, nếu tránh né kéo dài, nó có thể dẫn tới các vấn đề khác và ngăn cản một người chấp nhận sự kiện. Nếu sự tránh né không cải thiện sau sáu tháng đầu, tình trạng này có thể được đánh giá là tiếp diễn và cần chỉ định sự trợ giúp chuyên môn.
3.2.2.Các phản ứng về thể chất
Nhiều phản ứng về thể chất đối với stress do khủng hoảng cũng tương tự như phản ứng với stress thông thường, nhưng khác biệt ở chỗ chúng diễn ra đột ngột hơn (trong 24-28 giờ đầu tiên) và có xu hướng kéo dài trong một khoảng thời gian. Trong hầu hết các trường hợp chúng sẽ giảm dần cường độ và thời gian sau khoảng sáu đến tám tuần. Nếu có những mất mát liên tục, khung thời gian này có thể kéo dài hơn. Các phản ứng này có thể kể đến: các vấn đề giấc ngủ, run chân tay, căng cơ, đau cơ và các cơn đau, tim đập nhanh, buồn nôn, chóng mặt hay tiêu chảy, rối loạn vòng kinh hay mất hứng thú tình dục.
3.2.3.Các phản ứng về xã hội
- Trong nhiều trường hợp, việc cùng chia sẻ cảm giác khó khăn và mất mát có thể đưa mọi người lại gần nhau hơn và giúp tạo ra những kết nối mới hoặc tăng cường các mối quan hệ. Tuy nhiên, đôi khi việc trải qua stress do khủng hoảng có thể khiến cho các mối quan hệ căng thẳng hơn. Sự hỗ trợ từ những người khác có thể phai nhạt hoặc thậm chí biến mất. Một người có thể cảm thấy mình không được trợ giúp hoặc không có ai. Họ có thể nghĩ rằng những người khác không nhìn nhận đúng những gì họ đã trải qua và đòi hỏi quá nhiều ở họ.
- Các gia đình trải qua khủng hoảng có thể có những phản ứng rất khác nhau. Một số gia đình, các thành viên trở nên gần gũi với nhau hơn và hỗ trợ nhau hơn. Một số trở nên bị động hơn hoặc bắt đầu có bạo lực. Đôi khi có những thay đổi trong hành vi và giao tiếp do những phản ứng khác nhau hoặc thay đổi vai trò của các thành viên trong gia đình, ví dụ như khi một thành viên bị chết. Các thành viên trong gia đình cũng có những phản ứng khác nhau và cần được hỗ trợ theo những cách khác nhau. Nếu điều này không được chấp nhận và thực hiện trong gia đình, sẽ dẫn đến việc các mối quan hệ trở nên căng thẳng và mọi người đổ lỗi cho nhau. Thường xảy ra việc bố mẹ cố gắng che giấu các lo âu và vấn đề khỏi con trẻ, nhưng rất nhiều lúc chúng sẽ biết đến các bí mật này. Sau một khủng hoảng, trẻ em1 có thể mất niềm tin vào khả năng người lớn có thể giải quyết được tình huống và gặp khó khăn trong việc tái thiết lập niềm tin vào bố mẹ và người lớn.
Câu hỏi thảo luận: Các thầy cô còn nhận ra được những biểu hiện nguy cơ tổn thương SKTT nào khác ở học sinh nữa?
Giáo viên có thể tham khảo những gợi ý sau đây
* Những biểu hiện về cảm xúc
- Cảm thấy khó chịu
- Cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng
- Cảm thấy buồn bã
- Cảm thấy chán nản, thờ ơ
- Cảm thấy đánh mất giá trị bản thân
* Những biểu hiện về hành vi
- Nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính
- Sử dụng các chất kích thích như rượu hoặc thuốc lá
- Xáo trộn các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống hoặc giấc ngủ của bạn
- Bỏ qua những hành vi thông thường, mất tập trung
- Trở nên vô lý trong những quyết định của mình
- Hay quên hoặc trở nên vụng về
- Luôn vội vàng và hấp tấp
- Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít
Những triệu chứng về thể chất
- Đau nhức đầu
- Căng hoặc đau cơ bắp
- Đau bụng
- Đồ mồ hôi
- Cảm thấy chóng mặt
- Rối loạn tiêu hóa
- Khó thở hoặc đau ngực
- Khô miệng
- Ngứa trên cơ thể
- Có vấn đề về tình dục không phù hợp (với học sinh tuổi vị thành niên)
Học liệu tham khảo: https://youtu.be/SxK8ZU2kpsA
* Thang đo đánh giá stress, lo âu, trầm cảm
Thang đánh giá Lo âu - Trầm cảm - Stress (DASS 21
S 1. Tôi thấy khó mà thoải mái được 0     1    2     3
A 2. Tôi bị khô miệng 0     1    2     3
D 3. Tôi dường như chẳng có chút cảm xúc tích cực nào 0     1    2     3
A 4. Tôi bị rối loạn nhịp thở (thở gấp, khó thở dù chẳng làm việc gì nặng) 0     1    2     3
D 5. Tôi thấy khó trong việc khởi đầu làm mọi việc 0     1    2     3
S 6. Tôi có xu hướng phản ứng thái quá với mọi tình huống 0     1    2     3
A 7. Tôi bị run (chẳng hạn như run tay) 0     1    2     3
S 8. Tôi thấy mình đang lo nghĩ quá nhiều 0     1    2     3
A 9. Tôi lo lắng về những tình huống có thể làm tôi hoảng sợ hoặc biến tôi thành trò cười 0     1    2     3
D 10. Tôi thấy chẳng có gì đáng để mong chờ trong tương lai cả 0     1    2     3
S 11. Tôi thấy mình dễ bị kích động 0     1    2     3
S 12. Tôi thấy khó thư giãn được 0     1    2     3
D 13. Tôi cảm thấy nản lòng và buồn 0     1    2     3
S 14. Tôi không chấp nhận được bất cứ khi nào có cái gì đó xen vào cản trở việc tôi đang làm 0     1    2     3
A 15. Tôi thấy mình gần như hoảng loạn 0     1    2     3
D 16. Tôi không thấy hăng hái với bất kỳ việc gì nữa 0     1    2     3
D 17. Tôi thấy mình chẳng có giá trị gì 0     1    2     3
S 18. Tôi thấy mình quá nhạy cảm, dễ tự ái 0     1    2     3
A 19. Tôi nhận thấy rõ tiếng tim đập của mình dù chẳng làm việc gì nặng (ví dụ, cảm giác nhịp tim tăng, tiếng tim loạn nhịp) 0     1    2     3
A 20. Tôi hay sợ vô cớ 0     1    2     3
D 21. Tôi thấy cuộc sống vô nghĩa 0     1    2     3
 
Hãy đọc mỗi câu và khoanh tròn vào các số 0, 1, 2 và 3 ứng với tình trạng mà bạn cảm thấy một tuần qua. Không có câu trả lời đúng hay sai. Và đừng dừng lại quá lâu ở bất kỳ câu nào.
Mức độ đánh giá: 0 Không đúng với tôi chút nào cả
  1. Đúng với tôi phần nào, hoặc thỉnh thoảng mới đúng
  2. Đúng với tôi phần nhiều, hoặc phần lớn thời gian là đúng
  3. Hoàn toàn đúng với tôi, hoặc hầu hết thời gian là đúng
Cách tính điểm: Điểm của Trầm cảm, Lo âu và Stress được tính bằng cách cộng điểm các đề mục thành phần (A): Lo âu, (D): Trầm cảm, (S): Stress, rồi nhân
hệ số 2.
Mức độ Trầm cảm Lo âu Stress
Bình thường 0 - 9 0 - 7 0 - 14
Nhẹ 10 - 13 8 - 9 15 - 18
Vừa 14 - 20 10 - 14 19 - 25
Nặng 21 - 27 15 - 19 26 - 33
Rất nặng >28 >20 >34
 
 
*Khuyến nghị mức độ nặng và rất nặng nên đi gặp các chuyên gia trong lĩnh
vực SKTT (bác sỹ tâm thần; nhà tâm lý lâm sàng) để được hỗ trợ. Tham khảo
cơ sở thăm khám ở Phần 3
 
  1. Hoạt động hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ
 (Xem số tiếp theo)
 
 
 
 
 
 
 
 


Tác giả bài viết: PGS.TS. Trần Thành Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên