Đăng nhập

Liên kết website

SỐ 7 NGUY CƠ TỔN THƯƠNG TÂM LÝ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VÀ NHỮNG PHƯƠNG THỨC GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH TƯ VẤN HỖ TRỢ

SỐ 7.
NGUY CƠ TỔN THƯƠNG TÂM LÝ TRÊN KHÔNG
GIAN MẠNG VÀ NHỮNG PHƯƠNG THỨC GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH
TƯ VẤN HỖ TRỢ

                                                                   PGS.TS. Trần Thành Nam
  1. Kỹ năng an toàn trên không gian mạng
    1. Một số chiến lược sử dụng Internet an toàn
Bất kể bạn hành động trực tuyến an toàn như thế nào, nếu bạn để máy tính của bạn bị nhiễm vi-rút hoặc phần mềm gián điệp, thông tin của bạn vẫn có thể bị đánh cắp và sự an toàn của bạn bị xâm phạm. Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện:
  1. Bảo vệ máy tính của bạn. Cài đặt phần mềm chống vi-rút và đặt các phần mềm này tự động cập nhật.
  2. Sử dụng trình duyệt có uy tín. Sử dụng Internet Explorer, Firefox hoặc Safari và giữ nguyên cài đặt bảo mật và quyền riêng tư mặc định.
  3. Cập nhật. Để hệ thống tự động kiểm tra và cài đặt, cập nhật phần mềm cho Hệ điều hành và trình duyệt của bạn. Có các dịch vụ chống vi-rút và chống phần mềm gián điệp miễn phí, tốt.
  4. Bật tường lửa của bạn. Tường lửa là một phần của hệ thống máy tính hoặc mạng của bạn chặn truy cập trái phép trong khi cho phép ra ngoài giao tiếp.
  5. Bạn truy cập và quản lý Tường lửa của Windows thông qua Bảng Điều khiển.
  6. Nhờ người thân giúp đỡ. Một người bạn/ người thân có kiến thức có thể giúp bạn kiểm tra trạng thái tường lửa của mình.
  7. Nếu bạn đang sử dụng mạng không dây tại nhà, hãy đảm bảo tính năng bảo mật được bật cho mạng đó. Kiểm tra cài đặt của bạn
    1. Bảo vệ trình duyệt của bạn và tìm kiếm trên Internet một cách an toàn
Trình duyệt giúp bạn di chuyển trên Internet và các công cụ tìm kiếm giúp dễ dàng tìm kiếm thông tin trên Internet. Trình duyệt an toàn, kết hợp với chương trình chống vi-rút / chống phần mềm gián điệp, giúp bạn xác định các trang web an toàn và không an toàn:
  • Nếu bạn nhận được thông báo từ chương trình chống vi-rút / phần mềm độc hại của mình thì trang web bạn đang cố truy cập không an toàn, hãy tin tưởng. Đừng truy cập vào đó.
  • Nếu một trang web yêu cầu bạn thay đổi cài đặt trình duyệt của mình để “cải thiện trải nghiệm của bạn”, hãy bỏ qua yêu cầu và sử dụng một trang web khác.
  • Chỉ cho phép tải xuống và thực thi các chương trình khi bạn hoàn toàn tin tưởng và hiểu chương trình sẽ làm gì
    1. Sử dụng email an toàn
Áp dụng cách sử dụng e-mail sau đây để giúp bạn an toàn hơn mỗi khi bạn gửi thư:
  • Không chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm. Không bao giờ chia sẻ mật khẩu, số chứng minh nhân dân, và số thẻ tín dụng trong e-mail.
  • Chọn người mà bạn sẽ e-mail. Chỉ vì ai đó gửi cho bạn một e-mail không có nghĩa là bạn cần đọc hoặc trả lời. Thiết lập bộ lọc spam của bạn giúp hạn chế và bạn cũng nên kiểm tra thư mục spam của bạn định kỳ cho các thư không phải spam.
  • Suy nghĩ kỹ trước khi bạn mở phần đính kèm hoặc nhấp vào liên kết trong e-mail. Nếu bạn không biết người gửi, hãy xóa e-mail. Nếu bạn biết người gửi nhưng không mong đợi tệp đính kèm, hãy kiểm tra kỹ xem người đó có thực sự đã gửi e-mail hay không
  • Khi gửi e-mail cho một nhóm người không quen biết nhau, hãy sử dụng đường Bcc để bảo vệ danh tính của mọi người. Đặt tất cả các địa chỉ e-mail trên dòng Bcc (hoặc Blind Carbon Copy) của thư. Bằng cách đó, không người nhận nào có thể xem địa chỉ e-mail của những người nhận khác. Điều này tôn trọng quyền riêng tư của họ và bảo vệ tài khoản của họ khỏi những người gửi spam
    1. Sử dụng mật khẩu mạnh
  • Mật khẩu mạnh không cần phải là mật khẩu khó để nhớ, nhưng phải khó để đoán
  • Mặc dù mật khẩu mạnh sử dụng ít nhất mười ký tự và bao gồm chữ in hoa, ký tự đặc biệt (chẳng hạn như @ hoặc :) và số.
  • Hãy sử dụng cụm từ, kết hợp viết tắt
    1. Phát hiện thư rác, thư giả mạo, lừa đảo
Hầu hết thư giả mạo và thư rác đều dễ phát hiện. Tìm hiểu các dấu hiệu phổ biến này để giúp bạn phát hiện các e-mail kiểu này:
  1. Bạn không biết người gửi e-mail.
  2. Thông tin nghe có vẻ đúng đắn.
  3. Một người nào đó hứa hẹn sẽ gửi tiền hoặc giải thưởng cho bạn.
  4. Tổ chức tài chính hoặc cửa hàng yêu cầu thông tin tài khoản hoặc mật khẩu của bạn.
  5. Bạn được yêu cầu nhấp vào liên kết trong e-mail hoặc tải xuống tệp.
  6. Thư có lỗi chính tả hoặc hình thức trình bày không chuyên nghiệp.
  7. Hãy đặt hoài nghi nếu bạn nhận được một e-mail giống như từ ngân hàng, nhà môi giới hoặc công ty đáng tin cậy khác của bạn nhưng yêu cầu bạn xác minh hoặc nhập lại thông tin cá nhân hoặc tài chính thông qua e-mail, trang web hướng dẫn bạn hoặc một số điện thoại mà nó cung cấp.
  8. Đừng để một liên kết trong một e-mail “kéo” bạn đến một trang web mà người gửi chọn.
    1. Chia sẻ hình ảnh an toàn
Đăng ảnh trên mạng là một cách tuyệt vời để chia sẻ trải nghiệm với người khác. Nếu bạn muốn chia sẻ ảnh công khai, có một vài điều bạn cần biết để giữ an toàn hơn:
  • Hiểu thông tin nào được truyền tài trong bức ảnh: Hãy xem xét về những gì không phải bạn nghĩ, mà là người khác nghĩ rằng bạn đang chia sẻ, những thông tin đó có thể gây hại, là thông tin mà một tên tội phạm hoặc bắt nạt có thể lượm lặt
  • Một số loại thông tin có thể được sử dụng theo những cách không như bạn mong muốn: làm bạn xấu hổ, đe dọa bạn, hoặc làm hại bạn hoặc người khác.
  • Quyết định ai được phép xem ảnh: Một số thông tin chỉ nên được chia sẻ riêng tư.
    1. Kiểm soát thông tin cá nhân
              - Thông tin được lan truyền và thu thập như thế nào?
             - Chia sẻ thông tin cá nhân với bạn bè và gia đình làm phong phú thêm mối quan hệ. Chia sẻ thông tin cá nhân với những người hoặc công ty không đáng tin cậy sẽ khiến bạn gặp rủi ro lớn.
             - Tội phạm và những kẻ bắt nạt thường thu thập thông tin một cách có hệ thống. Mỗi phần thông tin cá nhân góp phần tạo nên một bức tranh về cuộc sống, cảm xúc và tài chính của bạn, và có thể giúp họ khai thác bạn.
                          Địa chỉ và số điện thoại
                          Tên của các thành viên trong gia đình
                          Thông tin về tài sản cá nhân, lịch sử công việc hoặc tình trạng tài chính của bạn
  • Luôn luôn cẩn thận về việc chia sẻ thông tin; đặc biệt là các thông tin nhạy cảm.
                          - Mọi chi tiết bạn hoặc những người khác chia sẻ trực tuyến về cuộc sống của bạn và những người bạn tương tác được lưu trữ ở đâu đó. Thông tin đó có thể được sao chép và đăng ở các vị trí khác và có thể luôn trong tình trạng trực tuyến
3.8. Cân nhắc khi chia sẻ cảm xúc cá nhân riêng tư
             - Hãy lựa chọn có ý thức về việc liệu bạn có muốn chia sẻ trên trang web về cảm xúc cá nhân riêng tư cho ai hay không (chỉ những người bạn cho phép) hoặc công khai (cho bất kỳ ai). Sau đó, quyết định những thông tin bạn muốn cung cấp.
             - Cho người khác biết ranh giới an toàn của bạn để họ có thể tham gia trực tuyến theo cách tôn trọng các lựa chọn bảo mật của bạn.
             - Nếu bạn quá bận rộn, hãy nhờ một người bạn theo dõi trang web để biết rủi ro về thông tin
             - Nếu bạn chọn tạo thông tin liên lạc trực tuyến, hãy tạo một địa chỉ e-mail riêng cho mục đích này để bảo vệ địa chỉ e-mail chính của bạn
4. Tạo không gian an toàn trên internet cho giáo viên
4.1. Ý nghĩa việc xây dựng môi trường trực tuyến tích cực, an toàn
          Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh là mối quan hệ trong trường học. Khi tất cả mọi người trong trường làm việc cùng nhau, cùng hướng đến mục tiêu là tạo nên một môi trường trường học an toàn, thân thiện, học sinh sẽ tiếp nhận được thông điệp và những phản ứng thống nhất về bắt nạt cũng như các mối quan hệ tích cực tại trường, nhà, v.v. Đưa ra những thông điệp, phản ứng và sự hỗ trợ thống nhất để giải quyết bắt nạt, trường có thể thúc đẩy các mối quan hệ tích cực, lành mạnh cho học sinh. Đề có môi trường học đường tích cực, chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến là điều cần thiết. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy phòng ngừa và can thiệp bắt nạt dựa vào trường học một cách toàn diện và có hệ thống, với sự tham gia của cả nhà trường, học sinh, phụ huynh và các nguồn lực từ phía cộng đồng có hiệu quả trong việc giảm thiểu vấn đề bắt nạt nói chung và bắt nạt trực tuyến nói riêng.
4.2. Xây dựng các chương trình an toàn mạng
Hiện tại đã có nhiều tổ chức xây dựng chương trình can thiệp - phòng ngừa bắt nạt trực tuyến dành cho thanh thiếu niên Việt Nam. Đây là chương trình toàn trường, bao gồm cả hành động phổ quát - hướng dẫn phòng ngừa cho tất cả học sinh và hành động chỉ định - được sử dụng khi hành động bắt nạt xuất hiện. Chương trình được xây dựng dựa trên mô hình phòng ngừa toàn diện, tích hợp ba bậc như sau:

4.2.1.Mục đích của chương trình ATM
  • Giảm thiểu tỷ lệ bắt nạt trực tuyến
  • Nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường, phụ huynh học sinh về bắt nạt trực tuyến
  • Trang bị kỹ năng, chiến lược ứng phó khi bắt nặt trực tuyến xảy ra cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường, phụ huynh học sinh
  • Trang bị kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn, tự bảo vệ cho bản thân và người khác trên mạng internet
4.2.2.Quy trình thực hiện chương trình ATM
  • Bước 1: Tổ chức một nhóm phòng ngừa bắt nạt (đại diện ban giám hiệu, chuyên viên tâm lý, thành viên nhóm nghiên cứu)
  • Bước 2: Mời, kêu gọi các thầy cô giáo, phụ huynh, nhân viên trong trường tham gia vào nhóm
  • Bước 3: Đánh giá vấn đề
  • Bước 4: Làm việc với nhóm phòng ngừa, tìm kiếm, xây dựng chính sách/ quy định ở trường học nhằm nghiêm cấm bắt nạt
  • Bước 5: Tập huấn cho giáo viên và nhân viên nhà trường
  • Bước 6: Tập huấn cho học sinh về bắt nạt (cấp độ toàn trường và lớp) - nhóm nghiên cứu giám sát
  • Bước 7: Tổ chức hoạt động toàn trường phòng ngừa bắt nạt trực tuyến (vẽ tranh, thiết kế poster)
  • Bước 8: Đánh giá lại vấn đề
4.2.3.Nội dung của chương trình ATM
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, dựa vào tham khào nội dung từ các tài liệu nghiên cứu, các chương trình phòng ngừa và can thiệp bạo lực học đường, bắt nạt nói chung và bắt nạt trực tuyến nói riêng, chương trình ATM chọn lọc và hướng tập trung vào 5 nội dung chính:
  1. Hiểu biết về bắt nạt trực tuyến
  2. Các chính sách, quy định liên quan đến bắt nạt trực tuyến và các vấn đề
 
khác trên mạng internet
  1. Sự hợp tác, kết nối giữa các bên liên quan
  2. Môi trường xã hội, học đường an toàn, tích cực
  3. Các kỹ năng sử dụng internet an toàn
             4.2.3.1.Hiểu biết về bắt nạt trực tuyến
Một trong những công tác tiên quyết là nâng cao nhận thức về bắt nạt trực tuyến cho tất cả các bên liên quan. Đây là nội dung xuất hiện trong nhiều chương
trình phòng chống bắt nạt, bởi những hiểu nhầm, hiểu chưa đúng về vấn đề có thể là mầm mống làm cho việc bắt nạt xảy ra, hoặc nó cũng có thể làm cho hệ quả của hành vi bắt nạt nghiêm trọng hơn bởi chúng ta không ý thức được mức độ nguy hiểm của hành vi bắt nạt trực tuyến.
  • Học sinh
  • Các hoạt động nâng cao nhận thức giúp cho các em hiểu về bắt nạt trực tuyến, tác động và hậu quả
  • Các kỹ năng sử dụng công nghệ hiệu quả và an toàn khi trực tuyến
  • Các nguyên tắc khi trực tuyến (những hành vi phù hợp khi trực tuyến)
  • Hiểu biết và tự tin phản ứng một cách hiệu quả người người bắt nạt mình trực tuyến
  • Có thông tin về các nguy cơ và lợi ích của việc phản ứng lại với người bắt nạt theo các cách khác nhau (phản ứng về mặt cảm xúc, phản ứng thụ động, v.v.
  • Có cơ hội nâng cao kỹ năng xã hội, mức độ thấu cảm, đạo đức, các kỹ năng xử lý xung đột và quản lý tức giận
  • Phụ huynh
  • Có thông tin về việc sử dụng internet, điện thoại di động an toàn, các chức năng của giao tiếp trực tuyến và các chức năng đó được sử dụng như thế nào để bắt nạt
  • Hiểu biết về cách giúp cho học sinh xác định được các em có thể báo cáo vấn đề như thế nào, điều chỉnh quyền riêng tư an toàn và chặn những giao tiếp
 không mong muốn
  • Nhận thức được rằng dù con có sử dụng máy tính, điện thoại để lên mạng thành thạo, con vẫn có thể không biết cách sử dụng những thiết bị đó để lên mạng một cách an toàn
  • Các thông tin về dấu hiệu bắt nạt trực tuyến, đặc biệt là khi con thu mình, trầm buồn hoặc tức giận khi trực tuyến hoặc khi nghe gọi điện thoại, đọc tin nhắn để hỗ trợ con trong khoảng thời gian này
             -Có các kỹ năng nói chuyện với con về bắt nạt trực tuyến càng sớm càng tốt, không đợi đến khi bắt nạt xảy ra mới nói chuyện với con
  • Giáo viên
  • Được tập huẩn về cách can thiệp các trường hợp bắt nạt trực tuyến một cách hiệu quả
  • Hiểu được các kỹ năng quản lý mâu thuẫn, xung đột
  • Xây dựng và phát triển năng lực "công nghệ số" gồm có cách sử dụng các thiết bị công nghệ, trực tuyến an toàn, các nguyên tắc khi trực tuyến
  • Nhà trường
  • Có các chiến lược phù hợp với lứa tuổi và sự thay đổi của hành vi khi can thiệp bắt nạt
  • Hỗ trợ bằng cách thực hiện các chiến lược một cách thống nhất
  • Có các quy định kỷ luật tích cực, phương pháp xử lý mâu thuẫn, xung đột
  • Thẩm định công dụng tích cực của công nghệ và việc can thiệp bắt nạt trực tuyến
  • Các chiến lược để phát triển giao tiếp trực tuyến và các kỹ năng xã hội khác
4.2.3.2.Các chính sách, quy định liên quan đến bắt nạt trực tuyến và các vấn đề khác trên mạng internet
Một cách tiếp cận toàn trường tốt chống lại bắt nạt trực tuyến cần bao gồm các chính sách, kế hoạch và quy trình có tính chủ động từ phía trường học. Các chính sách, chiến lược và quy trình thực hiện này được đánh giá định kỳ thường xuyên. Các chính sách và quy định cùng với quy trình giải quyết vấn đề rõ ràng giúp cho nhà trường và các bên liên quan không bị bất ngờ khi tình huống xảy ra, có sự chủ động và can thiệp nhanh chóng
  • Học sinh
  • Ý thức về các chính sách, quy định chống bắt nạt học đường của trường.
  • Ý kiến của học sinh về định nghĩa, quy trình, thủ tục báo cáo và điều tra sự việc, các chiến lược can thiệp để ứng phó với bắt nạt trực tuyến sẽ được xem xét khi cần
  • Khuyến khích học sinh chịu trách nhiệm cho chính sự an toàn của bản thân khi trực tuyến thay vì dựa vào sự giám sát của người lớn
  • Phụ huynh
  • Thái độ tôn trọng và khoan dung với người khác.
  • Thể hiện rõ ràng trong việc chống lại bắt nạt trực tuyến.
  • Quen thuộc với các chính sách và quy định tại trường của con
  • Có cơ hội tham gia xây dựng chính sách và chiến lược của trường
  • Giáo viên
  • Có thông tin và quy trình rõ ràng, thống nhất và chính xác, hỗ trợ cho việc phát hiện, báo cáo và phản ứng với bắt nạt trực tuyến từ ban giám hiệu
  • Được tập huấn về cách hành động khi bắt nạt trực tuyến xảy ra
  • Được ban giám hiệu nhà trường khuyến khích thực hiện thống nhất và đánh giá hiệu quả của các phản ứng với tình huống bắt nạt trực tuyến
  • Nhà trường
  • Tích hợp và chuẩn hóa các phương pháp cho nhân viên và tất cả thành viên của trường để phòng ngừa, nhận diện, báo cáo và phản ứng với bắt nạt trực tuyến
  • Hỗ trợ và quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến bắt nạt trực tuyến
  • Luôn có sự trao đổi, thảo luận với học sinh về bắt nạt trực tuyến
  • Các nhân viên hành động như là tấm gương cho học sinh, hỗ trợ học sinh là nạn nhân của bắt nạt
4.2.3.3.Sự hợp tác, kết nối giữa các bên liên quan
Nhà trường và gia đình là những yếu tố nguy cơ cũng như các yếu tố bảo vệ học sinh trước bắt nạt trực tuyến. Để đối phó với bắt nạt trực tuyến một cách hiệu quả, sự liên kết giữa các bên cần được xây dựng và các nguồn lực trong cộng đồng địa phương nên được cân nhắc sử dụng.
  • Học sinh
  • Được trao quyền đê báo cáo về bắt nạt trực tuyến cho nhân viên, phụ huynh và những người khác mà học sinh cảm thấy tin tưởng
  • Nhận thức về các nguồn lực ở địa phương, gồm có các cơ quan và tổ chức, nơi mà học sinh có thể tìm thấy thông tin, lời khuyên và hướng dẫn sử dụng internet an toàn và bắt nạt trực tuyến
  • Khuyến khích học sinh tìm kiếm đến dịch vụ tham vấn, tư vấn khi bị ảnh hưởng bởi bắt nạt trực tuyến
  • Sớm nhận thức được rằng hành vi không chấp nhận được là bắt nạt trực tuyến cần phải sớm dừng lại
  • Phụ huynh
  • Khuyến khích phụ huynh hành động khi con bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác trực tuyến
  • Nhận thức được rằng con có thể vừa đi bắt nạt vừa bị bắt nạt trực tuyến, và bắt nạt trực tuyến thường có mỗi liên hệ với bắt nạt truyền thống mặt đối mặt
  • Khuyến khích phụ huynh thông thạo các chính sách và quy định trong trường học liên quan đến bắt nạt trực tuyến
  • Các kỹ năng giao tiếp cần được chú trọng, để phụ huynh nhấn mạnh với con rằng việc con bị bắt nạt không có gì đáng xấu hổ cả, và con không cần lo lắng khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ, giáo viên và những người khác
  • Không phản ứng thái quá với bắt nạt trực tuyến hoặc ngay lập tức cấm con truy cập mạng máy tính hoặc điện thoại khi con bị bắt nạt, cần hợp tác với trẻ để tìm cách ứng phó khả thi nhất với thủ phạm bắt nạt
  • Giáo viên
  • Chủ động hợp tác với phụ huynh để xây dựng các chiến lược ứng phó với bắt nạt trực tuyến
  • Liên lạc với phụ huynh khi thích hợp, và nâng cao nhận thức của cộng đồng và phụ huynh về bắt nạt trực tuyến
  • Nhà trường
  • Chủ động tham gia cùng với tất cả cộng đồng trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong việc chống lại bắt nạt trực tuyến
  • Nhận thức rằng tất cả những bên liên quan cần chia sẻ trách nhiệm
  • Trong tình huống bắt nạt trực tuyến, tất cả các bên tham gia cần có cam kết với nhau và làm việc cùng nhau
4.2.3.4.Môi trường xã hội, học đường an toàn, tích cực
Văn hóa, môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và can thiệp can thiệp trực tuyến. Các bên liên quan cần xây dựng một môi trường xã hội tích cực, lành mạnh, không bắt nạt.
  • Học sinh
  • Nhận thức về tầm quan trọng của bạn bè trong việc hỗ trợ nạn nhân của bắt nạt trực tuyến trong và ngoài trường học và nhận thức về tầm quan trọng của việc báo cáo các sự việc.
  • Tập huấn các chiến lược hiệu quả mà các em có thể sử dụng nếu các em là nhân chứng thấy bạn của mình bị bắt nạt trực tuyến
  • Hỗ trợ khi bảo vệ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ cho bạn bè bị bắt nạt trực tuyến.
  • Có cơ hội để phát triển kỹ năng lãnh đạo, lý luận về đạo đức, sự thấu cảm và ứng phó mang tính cảm xúc.
  • Học sinh ở vị trí có một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề bắt nạt trực tuyến trong trường học, và nên tích cực tham gia vào các quy trình phòng chống này
  • Có cơ hội thực hành kỹ năng an toàn của người chứng kiến trong trường
  • Đảm bảo rằng phụ huynh, giáo viên và người lớn khác sẽ không phản ứng thái quá nếu học sinh báo cáo về bắt nạt trực tuyến vì các em thường không báo cáo các sự việc về hành vi bắt nạt trực tuyến cho nhân viên nhà trường vì sợ rằng các thiết bị công nghệ sẽ bị tịch thu
  • Phụ huynh
  • Nhận thức được về vai trò của người chứng kiến, những áp lực từ phía bạn bè và ảnh hưởng tích cực của bạn bè đến bắt nạt trực tuyến. Phụ huynh nên khuyến khích con cái họ can thiệp khi con chứng kiến bắt nạt trực tuyến.
  • Nếu phụ huynh tìm hiểu về việc con mình có liên quan đến bắt nạt trực tuyến hay không, phụ huynh cần nhấn mạnh thái độ không tán thành của mình và nói chuyện với con về tác động và hậu quả tai hại của bắt nạt trực tuyến.
  • Hiểu về tầm quan trọng của việc hướng dẫn con và có mối quan hệ tích cực và hỗ trợ với con.
  • Thiết lập niềm tin với con cái của mình, hỗ trợ một cách không phán xét và tích cực
  • Khuyến khích thúc đẩy các kỹ năng xã hội tốt, đặc biệt là sự thấu cảm, lý luận đạo đức tốt, lòng tự trọng và khả năng phục hồi của con để giảm nguy cơ chúng tham gia vào bắt nạt trực tuyến
  • Giáo viên
  • Sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra một bầu không khí tích cực trong lớp học và mối quan hệ tích cực với các học sinh.
  • Đào tạo, tập huấn cách kích hoạt, hỗ trợ và củng cố học sinh trong việc hỗ trợ các nạn nhân của bắt nạt trực tuyến và cách làm việc với những học sinh đó
  • Các cách để khuyến khích học sinh báo cáo hành vi bắt nạt trực tuyến.
  • Có mối quan hệ giáo viên-học sinh thân thiết, gần gũi để đảm bảo một lớp học và môi trường học tập tích cực hơn.
  • Kỹ năng chú ý và giải quyết xung đột và các tình huống có vấn đề giữa các học sinh
  • Có cơ hội tìm hiểu về cách học sinh sử dụng Internet, trong khi học sinh cần học cách giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển các kỹ năng xã hội từ giáo viên
  • Nhà trường
  • Một nền văn hóa trường học tích cực và hỗ trợ được xây dựng thông qua các mối quan hệ tích cực mà họ xây dựng giữa các nhân viên và học sinh.
  • Nhân viên nhà trường quan tâm, hỗ trợ và có thẩm quyền góp phần vào mối quan hệ tốt hơn, môi trường lớp học tích cực và văn hóa trường học có tính hỗ trợ.
  • Bầu không khí cởi mở, hỗ trợ và đáng tin cậy với các hướng dẫn rõ ràng về cách cộng đồng dự kiến sẽ hành xử và phản ứng với bắt nạt trực tuyến.
  • Kiến thức và kỹ năng để phản ứng một cách hiệu quả và hỗ trợ cho những người bị bắt nạt trực tuyến; để dạy hiệu quả các kỹ năng này cho tất cả các bên liên quan.
  • Các chiến lược để khuyến khích các hành vi tìm kiếm sự trợ giúp từ học sinh, nhân viên và phụ huynh.
  • Thúc đẩy các mô hình kỷ luật tích cực thay vì phương pháp trừng phạt
  • Một nền văn hóa trường học không dung thứ cho bắt nạt trực tuyến
4.2.3.5.Các kỹ năng sử dụng internet an toàn
Các kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn đặc biệt quan trọng đối với tất cả mọi người. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và sự xuất hiện của những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trên mạng như quấy rối, bắt nạt trực tuyến, v.v., những kỹ năng để bảo vệ cho bản thân và người khác an toàn trên mạng thật sự quan trọng.
     5. Những điều cần lưu ý đối với phụ huynh để phòng ngừa bắt nạt trực tuyến và bảo vệ con khỏi hành vi có hại
Thế giới kỹ thuật số không ngừng phát triển với mạng xã hội, ứng dụng và thiết bị điện tử mới, trẻ em và thiếu niên thường là người đầu tiên sử dụng chúng. Mặc dù cha mẹ không thể theo dõi tất cả các hoạt động của con mình, nhưng có thể làm những việc sau để phòng ngừa bắt nạt trực tuyến và bảo vệ con khỏi hành vi có hại:
  1. Theo dõi trang web mạng xã hội, ứng dụng và lịch sử duyệt web của con nếu nghi ngờ có hiện tượng bắt nạt trực tuyến có thể xảy ra.
  2. Xem lại hoặc đặt lại vị trí điện thoại và cài đặt bảo mật của con bạn.
  3. Theo dõi hoặc kết bạn với con trên các trang mạng xã hội.
  4. Luôn cập nhật các ứng dụng mới nhất, mạng xã hội và tiếng lóng được trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng khi giao tiếp trên mạng.
  1. Biết tên người dùng và mật khẩu của con cho email và phương tiện truyền thông xã hội.
  2. Thiết lập các quy tắc về hành vi, nội dung và ứng dụng kỹ thuật số thích hợp.
  3. Quản lý con sử dụng mạng: nếu phương tiện truy cập Internet chính của gia đình là máy tính, cha mẹ hãy đặt máy tại vị trí tại không gian sinh hoạt chung. Thường xuyên kiểm tra lịch sử duyệt web của con
Phụ huynh cần trao đổi với con về những nội dung sau:
  1. Kết nối an toàn: Việc thảo luận với con về bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân nên được thực hiện trước khi trẻ lên mạng. Con bạn nên biết về các cách thức kết nối Internet: mạng dây, mạng không dây (Wi-Fi) hay mạng di động (3G/4G). Từ đó, con sẽ nhận thức được các mối nguy hiểm tiềm tàng. Ví dụ, nếu con sử dụng Wi-Fi, con nên biết rằng kết nối Wi-Fi bảo mật (yêu cầu mật khẩu) thường an toàn hơn các mạng không được bảo mật (không yêu cầu mật khẩu).
  2. Mật khẩu mạnh: Có một mật khẩu mạnh là một trong những cách đơn giản nhất để bảo vệ thông tin trực tuyến. Bạn hãy giúp con tạo một mật khẩu có ít nhất 7 ký tự; bao gồm chữ, số, các ký tự đặc biệt nhưng không bao gồm những thông tin cá nhân. Mật khẩu càng dài và càng phức tạp thì càng mạnh, nhưng có thể khó nhớ. Phương pháp để tạo mật khẩu dễ nhớ hơn là thay thế một số chữ cái của cụm từ. Ví dụ, “Ngày mới vui vẻ“ có thể trở thành mật khẩu “ng4Ymo1vu!v3”. Nhắc con bạn tránh chia sẻ mật khẩu hoặc viết chúng ra.
  3. Quyền riêng tư: Tận dụng các cài đặt quyền riêng tư có thể giúp các bạn trẻ kiểm soát được việc ai được xem thông tin của họ và nơi thông tin được chia sẻ. Ví dụ, một số nền tảng cho phép cài đặt hình ảnh chỉ được chia sẻ với một số người cụ thể. Để tận dụng lợi ích của cài đặt quyền riêng tư, con bạn cần biết chính xác những thông tin nào chúng đang chia sẻ trực tuyến - những thông tin này có thể nhiều hơn những gì chúng nghĩ. Ví dụ, một vài nền tảng số sử dụng những công nghệ như cookies hoặc định vị (GPS), để ghi lại những hoạt động của người dùng web và vị trí địa lý của họ. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý với con rằng cài đặt quyền riêng tư không thể bảo vệ thông tin của chúng một cách tuyệt đối. Nếu như con bạn lo lắng về nội dung nào đó được chia sẻ vượt ngoài tầm kiểm soát, cách tốt nhất là không chia sẻ những thông tin đó nữa.
  4. Xác thực thông tin: Rất nhiều người sử dụng cộng đồng trực tuyến như một nguồn thông tin. Tuy nhiên, không phải mọi thông tin được chia sẻ đều chính xác. Đó chính là lý do tại sao việc xác thực nội dung trước khi chia sẻ là một phần vô cùng quan trọng để tham gia và xây dựng một cộng đồng số lành mạnh. Hãy dạy con bạn cách tự đặt 5 câu hỏi xác minh trước khi tin tưởng hoặc chia sẻ bất cứ nội dung trực tuyến nào: (1) Nội dung đó đến từ đâu? (2) Ai tạo ra nội dung
đó? (3) Nội dung đó được tạo ra khi nào? (4) Nội dung đó được tạo ra ở đâu? (5) Tại sao nội dung đó được tạo ra?
                (5) Sự thấu cảm: Không giống như giao tiếp ngoài đời thực, những tương tác trực tuyến thiếu đi các kết nối và bằng chứng để giúp chúng ta hiểu về cảm xúc của đối phương. Vì vậy, những đứa trẻ có thể sẽ quên đi việc người khác sẽ đọc được và có cảm xúc về những nội dung mà chúng chia sẻ trực tuyến. Việc khuyến khích con bạn phát triển sự thấu cảm bằng cách giúp chúng nghĩ về cảm xúc người khác có thể giúp giảm bớt tình trạng bắt nạt trên mạng.
          (6) Cân bằng số: Cân bằng số liên quan đến cả yếu tố số lượng và chất lượng của thời gian mà trẻ lên mạng. Có hai câu hỏi quan trọng mà bạn cần tự hỏi khi xem xét về thời gian trực tuyến của con: “Nó có ảnh hưởng đến việc con hoàn thành các trách nhiệm và công việc khác không?” “Nó có ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của con không?” Nếu câu trả lời là “Có” thì bạn cần giúp con cân bằng lại. Hãy kết nối các hoạt động trực tuyến với các sở thích ngoài đời của trẻ. Ví dụ, sau khi xem video về một trận bóng đá, bạn và con có thể cố gắng làm lại các động tác vừa xem khi đá bóng ở bên ngoài.
                (7) Danh tính số: Dạy con bạn rằng danh tính số hay danh tính trực tuyến là phiên bản của chính chúng ta tồn tại trên không gian mạng. Bạn có thể giúp con xây dựng một danh tính số tích cực bằng việc chia sẻ để con hiểu và nhận thức được các giá trị cốt lõi của gia đình. Bạn cũng có thể hỏi con về những giá trị mà chúng muốn xây dựng dựa trên chính trải nghiệm của con. Hãy trò chuyện với con về cách thức làm thế nào để áp dụng những giá trị này một cách nhất quán và trung thực trên môi trường trực tuyến, cho dù điều này có phức tạp đi chăng nữa.
 
 
 
 
 
 
 


Tác giả bài viết: PGS.TS. Trần Thành Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Kho tài nguyên